Sunday, April 27, 2014

1. PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG – MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC THI CHIẾN LƯỢC TRONG HAI THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỈ XXI

Võ Minh Tập

[Trong sách:“Phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2013].

Phát triển bền vững là một cách tiếp cận ở tầm chính sách vĩ mô và rất quen thuộc trong những năm gần đây, đặc biệt là trên các diễn đàn quốc tế. Đồng thời, đó cũng là định hướng chiến lược của các quốc gia trên thế giới trong thời đại cách mạng khoa học – công nghệ, cũng như trong bối cảnh của quá trình toàn cầu hóa.
Bài viết tập trung làm rõ một số vấn đề mang tính lý luận về phát triển bền vững như lịch sử hình thành và một số nội dung cơ bản của phát triển bền vững; các mục tiêu cơ bản, mô hình, các nguyên tắt xây dựng xã hội và các nhân tố của sự phát triển bền vững. Từ đó, cố gắng phân tích quá trình thực thi chiến lược và triển vọng phát triển bền vững trên thế giới và Việt Nam.
1. Phát triển bền vững – Một số vấn đề lí luận
1.1. Lịch sử hình thành và nội dung cơ bản
Thuật ngữ “Phát triển bền vững” hay “Phát triển lâu bền” (Sustainable development) ra đời từ những năm 70 của thế kỉ XX và bắt đầu thu hút sự chú ý của các học giả về môi trường, phát triển quốc tế nhờ sự ra đời của công trình “Chiến lược bảo tồn thế giới” vào năm 1980[1].
Lúc đầu, cuộc tranh luận về phát triển bền vững xoay quanh mối quan hệ giữa sự hạn chế tài nguyên cho sự tăng trưởng kinh tế và vấn đề dân số. Thực chất đây là một cuộc tranh luận kéo dài nhiều năm, bắt đầu từ học thuyết của học giả người Anh tên là  T. R. Malthus. Trên thực tế, Liên hợp quốc và một số tổ chức quốc tế khác chủ trương đạt tới sự phát triển bền vững bằng cách tập trung giải quyết vấn đề dân số - một vấn đề mang tính toàn cầu. Với chủ trương đó, chính sách về dân số trở thành công cụ chủ yếu để nâng cao sự phát triển kinh tế, nguồn lực và vấn đề môi trường, bằng cách đầu tư tài chính để giảm tỉ lệ dân số (sinh đẻ) và được nhiều nước chấp nhận. Lý do mà Liên hợp quốc và các tổ chức đặt trọng tâm kiểm soát vấn đề dân số là vì: Sự bùng nổ dân số đồng nghĩa với sự gia tăng tình trạng nghèo đói, mù chữ, thất nghiệp, là gánh nặng cho sự phát triển kinh tế; Về mặt chính trị, dân số tăng nhanh sẽ ảnh hưởng và đe dọa sự ổn định của chính phủ ở các nước đang phát triển, tạo thêm sự đối lập giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển; Bùng nổ dân số sẽ đẩy thế hệ tương lai tới tình trạng thiếu thốn, cạn kiệt tài nguyên và môi trường không bền vững.
Đến giữa những năm 70, Chương trình bảo vệ môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) đã sử dụng khái niệm “Sự phát triển không hủy hoại” (development without detruction) để chỉ sự phát triển cân bằng xã hội. Cùng với khái niệm đó, bản thân khái niệm “Sự phát triển sinh thái” (ecodevelopmet) được chấp nhận và sử dụng rộng rãi. Đó là về mặt thuật ngữ, còn thực ra mối liên hệ giữa sự phát triển kinh tế-xã hội với vấn đề môi trường đã được quan tâm ngay từ năm 1972. Bằng chứng là 2 văn bản được báo cáo trong năm 1972 là “Tuyên bố của Hội nghị đầu tiên của Liên hợp quốc về môi trường” tổ chức tại Stockholm và báo cáo “Giới hạn của sự tăng trưởng” của câu lạc bộ Rôma. Các báo cáo nêu rõ mối liên hệ giữa phát triển kinh tế, xã hội với việc bảo vệ môi trường, lên tiếng cảnh báo nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại môi trường sống của con người do sự tăng trưởng kinh tế ồ ạt và vô ý thức gây nên, đồng thời nêu lên tư tưởng chuyển nền văn minh từ sự tăng trưởng theo cấp số nhân sang trạng thái cân bằng động toàn cầu, từ sự tăng trưởng về lượng sang sự tăng trưởng về chất và sang một trật tự kinh tế thế giới mới.
Nhưng cho đến những năm 80 của thế kỉ XX, vấn đề ô nhiễm môi trường và nguy cơ khủng hoảng sinh thái toàn cầu lại nổi lên như một vấn đề cấp bách trong cuộc tranh luận về phát triển bền vững. Lí do của sự cấp bách đó là do cuộc khủng hoảng toàn cầu của chủ nghĩa tư bản nên dẫn đến cạn kiệt tài nguyên, môi trường sống suy thoái và khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng cao.
Cho đến những năm 90 của thế kỉ XX, cuộc tranh luận vẫn tiếp tục, song nội dung của nó đã được mở rộng hơn đến những vấn đề xã hội cấp bách như sự phân cực giàu nghèo, thất nghiệp, lão hóa dân số, nợ quốc gia…
Các nhà khoa học đã khẳng định rằng, điều kiện để có được một môi trường sinh thái ổn định là sự phát triển bền vững về kinh tế. Một nền kinh tế được coi là phát triển bền vững khi nền kinh tế đó có khả năng giảm tới mức tối đa việc tiêu thụ tài nguyên không thể phục hồi được, đồng thời có khả năng thay thế nguồn tài nguyên không thể phục hồi  bằng các tài nguyên có khả năng phục hồi. Nhưng vấn đề đặt ra là trong điều kiện của nền kinh tế thị trường thì liệu có thể thực hiện điều đó không?
Những người theo quan điểm lạc quan thì cho rằng, kinh tế thị trường, trước hết là những hoạt động thương mại và tăng trưởng có thể có lợi cho việc bảo vệ môi trường, làm cho môi trường tốt lên khi mà thu nhập quốc dân tính theo đầu người ở mức đó đạt tới mức độ nhất định. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng, tăng trưởng và hoạt động thương mại gây tác động xấu đối với không khí và ô nhiễm nước chỉ diễn ra vào giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, nhưng sau đó sẽ làm giảm bớt ô nhiễm bởi vì các nước đó đã trở nên đủ giàu để có thể trả tiền cho việc làm sạch môi trường của mình[2].
Song, những nghiên cứu gần đây đã khẳng định, các nước giàu hơn sẽ thực hiện các bước làm sạch môi trường của họ chỉ đúng trong phạm vi quốc gia, còn trong phạm vi quốc tế thì điều đó khó thực hiện được. Bởi vì, vấn đề môi trường hiện nay không phải là vấn đề nội bộ của một quốc gia mà đã trở thành một vấn đề toàn cầu. Chính vì vậy, phát triển bền vững ngày nay đã trở thành một xu hướng tất yếu trong sự phát triển của xã hội loài người.
Tư tưởng phát triển bền vững được trình bày trong một loạt các công trình như “Tương lai chung của chúng ta” (1987), “Chăm lo cho Trái Đất” (1991)[3]. Khi nói về sự phát triển bền vững, người ta thường sử dụng hai định nghĩa đã được nêu ra trong các cuốn sách nói trên.  Trong cuốn “Tương lai chung của chúng ta”, phát triển bền vững được hiểu là sự phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng nhu cầu của họ. Tuy nhiên, đó chỉ là một định nghĩa quá chung về sự phát triển bền vững, bởi vì bất cứ sự phát triển nào đó đều đáp ứng nhu cầu của con người, nhưng nhu cầu của con người là vô cùng phong phú, đa dạng và tùy theo các tiêu chí khác nhau  người ta có thể phân loại nhu cầu theo cách khác nhau. Mặc khác, khi nhu cầu này của con người được thỏa mãn thì ở họ lại nảy sinh ra những nhu cầu mới. nói cách khác, nhu cầu của con người, theo một nghĩa nào đó là vô hạn.
Chính vì vậy, định nghĩa đó lại được cụ thể hóa thêm bằng dấu hiệu thế hệ hôm nay phải sử dụng hợp lí tài nguyên, giải quyết thách thức về sinh thái. Do đó, có thể xác định sự phát triển lâu bền là sự phát triển không làm tổn hại đến môi trường sống, không gây ra những thảm họa sinh thái, thế hệ hôm nay phải khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lí nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình sao cho không ảnh hưởng đến việc thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ sau, không làm hủy họa môi trường sống hoặc gây ra những thảm họa sinh thái cho con cháu.
Còn trong cuốn “Chăm lo cho Trái Đất”, phát triển bền vững được xác định là việc nâng cao chất lượng cuộc sống con người khi đang tồn tại trong khuôn khổ bảo đảm các hệ sinh thái. Nhìn chung, cả hai định nghĩa đều quy phát triển bền vững về việc sử dụng một cách hợp lí và bảo vệ môi trường tự nhiên sao cho thế hệ hôm nay vẫn phát triển được mà không làm ảnh hưởng đến tương lai của các thế hệ sau.
Những tư tưởng trên đây đã được cụ thể hóa và phát triển thêm tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc, gồm đại diện 179 nước tham dự tại Rio de Janero (Braxin) năm 1992. Hội nghị đã thông qua chiến lược phát triển bền vững và khẳng định rằng, phát triển bền vững là “sự phát triển kinh tế - xã hội lành mạnh, dựa trên việc sử dụng hợp lí tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ con người hiện nay và không ảnh hưởng bất lợi đối với các thế hệ tương lai trong việc thỏa mãn những nhu cầu của họ”[4]. Những mục tiêu chủ yếu của chiến lược phát triển bền vững được quy thành những biện pháp nhằm bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên. Những người tham dự hội nghị đã thông qua chương trình hành động – Chương trình nghị sự 21 (Agenda 21) đề ra các định hướng cho các chính phủ, cho giới kinh doanh và giới hoạt động xã hội của mọi quốc gia trong hơn 100 lĩnh vực khác nhau. Những nội dung cơ bản của Hội nghị thượng đỉnh Rio – 92 đã được nhắc lại trong Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc được tổ chức tại Johannesburg (Nam Phi) năm 2002.
Như vậy, mặc dù khái niệm phát triển bền vững được sử dụng trong các tài liệu khác nhau trực tiếp bàn đến việc sử dụng hợp lí tài nguyên và bảo vệ môi trường. Song, trong Chiến lược phát triển bền vững và chương trình nghị sự 21, nội dung của phát triển bền vững là tương đối rộng và bao quát các lĩnh vực hoạt động cơ bản của con người.
Theo tác giả A.D. Ursul, khái niệm “Phát triển bền vững” cần được xác định nhờ hai dấu hiệu cơ bản, đó là con người là trung tâmsinh quyển là trung tâm. Con người là trung tâm được hiểu theo nghĩa rộng là sự sống của con người (quốc gia) và khả năng phát triển liên tục và lâu bền của chúng ta để con cháu chúng ta không có ít hơn chúng ta khả năng đáp ứng những nhu cầu của mình trong điều kiện tự nhiên, điều kiện sinh thái của Trái Đất và Vũ trụ. Còn sinh quyển là trung tâm gắn liền với bảo vệ sinh quyển như cơ sở tự nhiên của toàn bộ sự sống trên Trái Đất, bảo vệ tính bền vững và sự tiến hóa tự nhiên của nó để sự phát triển tiếp theo của loài người không diễn ra dưới hình thức suy thoái[5].
Với cách hiểu như vậy, phát triển bền vững có nghĩa là sự kết hợp giữa các lĩnh vực kinh tế, xã hội và sinh thái thành một chỉnh thể thống nhất. Hiệu quả kinh tế phải đi với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Để có được sự phát triển bền vững, mỗi quốc gia trước hết phải giải quyết mâu thuẫn giữa một nền kinh tế ngày càng tăng trưởng và một bên là nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, môi trường sống của con người ngày càng ô nhiễm nặng nề. Thêm vào đó, trong mỗi mặt của mâu thuẫn cũng như trong quá trình giải quyết mâu thuẫn đó, các quốc gia phải giải quyết rất nhiều vấn đề xã hội khác.
1.2. Mục tiêu, mô hình và các nhân tố cơ bản của phát triển bền vững
Trong tình hình hiện nay, kinh tế yếu kém là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc con người hủy hoại môi trường. Để sống sót trong hoàn cảnh thiếu thốn, con người buộc phải sử dụng, khai thác và làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Khi môi trường bị lạm dụng và tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, mọi người và mọi nền kinh tế đều phải gánh chịu hậu quả chung.
Điều đó làm cho thuật ngữ phát triển bền vững không dùng để chỉ bất cứ sự phát triển xã hội nào, mà phải là sự phát triển đáp ứng một cách hài hòa các chỉ số (mục tiêu) trên cả ba phương diện: kinh tế, xã hội và môi trường.
1.2.1. Mục tiêu cơ bản của phát triển bền vững đã được nêu trong các Hội nghị thượng đỉnh Rio – 92  và Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc tại Johannesburg năm 2002.
Tính bền vững về kinh tế, phát triển kinh tế nhanh và an toàn. Tức là sự tăng trưởng và phát triển lành mạnh nền kinh tế phải đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, nâng cao đời sống người dân, tránh được sự suy thoái hoặc đình trệ trong tương lai, nhất là tình trạng nợ nần, biến nó thành di chứng cho thế hệ sau.
Tính bền vững về xã hội, công bằng xã hội và phát triển con người, lấy chỉ số HDI làm thước đo cao nhất cho sự phát triển xã hội. Tức là tính bền vững thể hiện ở sự đảm bảo về sức khỏe, dinh dưỡng, học vấn, giảm nghèo đói, đảm bảo công bằng xã hội và tạo cơ hội bình đẳng cho mọi thành viên trong xã hội. Theo đó, công bằng xã hội là một trong những mục tiêu trọng yếu của phát triển bền vững. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo quá lớn sẽ không giúp cải thiện vấn đề môi trường tại nơi đói nghèo, vì những người nghèo hầu như vẫn không được hưởng lợi gì từ sự tăng trưởng kinh tế, vì vậy thái độ của họ đối xử với môi trường cũng vẫn như trước đây. Thậm chí bất bình đẳng kinh tế có nguy cơ dẫn đến xung đột xã hội hay chiến tranh, mà hậu quả là môi trường bị phá hủy nghiêm trọng.
Tính bền vững về môi trường, khai thác và sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và không ngừng cải thiện chất lượng môi trường sống theo hướng tích cực. Đảm bảo cho con người sống trong môi trường trong lành và an toàn, đảm bảo mối quan hệ hài hòa thật sự giữa con người, xã hội và tự nhiên. Sự khai thác, sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn được sự đa dạng sinh thái… nhằm thỏa mãn nhu cầu sống của thế hệ hiện tại, nhưng không cản trở các thế hệ mai sau có cơ hội thỏa mãn nhu cầu của họ về tài nguyên và môi trường và những đòi hỏi như vậy chỉ có thể thực hiện được khi những mục tiêu kinh tế và công bằng xã hội được đảm bảo.
Ba mục tiêu của phát triển bền vững trên đây gắn bó chặt chẽ với nhau trong quá trình phát triển liên tục của xã hội. Xét trong mối quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên, ba mục tiêu của phát triển bền vững chính là mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội, phát triển con người với sự khai thác, sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
1.2.2. Ba mục tiêu trên đã được Ngân hàng Thế giới (WB) lấy làm căn cứ để xây dựng nên thành mô hình phát triển bền vững. Mô hình phát triển bền vững được trình bày dưới dạng một tam giác đều với ba đỉnh ứng với 3 mục tiêu vừa nêu.
    Mục tiêu kinh tế
 




  PTBV

           Mục tiêu xã hội                                       Mục tiêu sinh thái, môi trường      
Ba mục tiêu của phát triển bền vững gắn bó chặt chẽ với nhau trong quá trình phát triển xã hội. Chỉ khi nào kết hợp được cả ba mục tiêu này thì xã hội mới có được sự phát triển bền vững. Do vậy, sự phát triển bền vững chính là sự tương tác, sự thỏa hiệp hay sự dung hòa của ba hệ thống con: Hệ thống kinh tế (sự phát triển kinh tế-xã hội), hệ thống xã hội-nhân văn (sự phát triển con người) và hệ thống tự nhiên (sự khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và môi trường), nhằm tạo ra sự thống nhất bền vững của hệ thống bao trùm – hệ thống “Tự nhiên – Con người – Xã hội”.
1.2.3. Sự phát triển bền vững là một quá trình đòi hỏi đồng thời với sự tiến bộ chung của nhiều lĩnh vực. Trong Báo cáo của Hiệp hội bảo tồn thế giới về  “chăm sóc Trái Đất” đã đưa ra những nhân tố cơ bản của phát triển bền vững như kinh tế, nhân văn (con người), môi trường và khoa học – công nghệ[6].
Về nhân tố kinh tế, nhân tố kinh tế giữ vai trò hàng đầu, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhân tố này trong sự phát triển bền vững của mỗi nước khác nhau sẽ rất khác nhau. Dối với các nước giàu, sự phát triển bền vững gắn liền với việc giảm một cách đáng kể mức độ tiêu dùng lãnh phí về năng lượng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Hiện nay Mĩ, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản… là những nước tiêu thụ năng lượng cao nhất thế giới, vì vậy, việc giảm một cách đáng kể mức độ tiêu dùng lãng phí năng lượng ở những nước giàu sẽ là một trong những việc làm có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc giảm nghèo, đói ở những nước kém phát triển, đang phát triển… cũng là vấn đề rất quan trọng đối với chiến lược phát triển bền vững. Vì vậy, nếu nhu cầu cuộc sống không được đảm bảo thì họ không có được nhận thức về mức độ cần thiết phải đầu tư cho tương lai. Do đó, họ cũng không có điều kiện để quan tâm đến sự phát triển bền vững.
Về nhân tố con người, trong phát triển bền vững gắn liền với vấn đề phát triển dân số một cách hợp lí và vấn đề phát triển con người một cách toàn diện về văn hóa, giáo dục và sức khỏe.
Về nhân tố môi trường, trong chiến lược phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ sự đa dạng sinh học, giảm sự ô nhiễm môi trường… dẫn đến biến đổi khí hậu, đe dọa đến sự sống hành tinh. Bảo vệ môi trường sống chính là bảo vệ những cơ sở tự nhiên của sự tồn tại xã hội – đó là một  cơ sở  quan trọng của sự phát triển bền vững.
Nhân tố khoa học – công nghệ, trong phát triển bền vững phải gắn liền với việc chuyển từ nền công nghệ cũ, chưa hoàn thiện sang nền công nghệ hiện đại (công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng mới). Thực chất đây là bước chuyển sang các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường hay còn gọi là công nghệ xanh, sạch. Như vậy, nhân tố này có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển bền vững.
1.2.4. Phát triển bền vững là một chiến lược phát triển mới của xã hội loài người, từ lý thuyết về phát triển bền vững đến việc xây dựng một xã hội phát triển bền vững là một chặng đường dài, đầy khó khăn, phức tạp đòi hỏi sự nỗ lực, đồng lòng của tất cả loài người trên hành tinh chúng ta, của mọi quốc gia, dân tộc mà điều này thật không đơn giản. Do trình độ phát triển của các quốc gia không đồng đều, những điều kiện, tiền đề cho xây dựng một xã hội phát triển bền vững cũng rất khác nhau. Cho nên, cần phải có những nguyên tắc chung để hướng sự phát triển của tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới vào các mục đích chung, cơ bản. Trước tình hình đó, Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) cùng Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) và Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) năm 1991 đã nêu ra 9 nguyên tắc để xây dựng một xã hội phát triển bền vững như sau[7]:
1. Tôn trọng và quan tâm đến cuộc sống cộng đồng.
2. Cải thiện chất lượng cuộc sống của con người.
3. Bảo vệ sức sống và tính đa dạng của Trái Đất.
4. Quản lí những nguồn tài nguyên không tái tạo được.
5. Tôn trọng khả năng chịu đựng được của Trái Đất.
6. Thay đổi tập tục và thói quen cá nhân.
7. Để cho các cộng đồng tự quản lí môi trường của mình.
8. Tạo ra một khuôn mẫu quốc gia thống nhất, thuận tiện cho việc phát triển và bảo vệ.
9. Xây dựng một khối liên minh toàn cầu.
Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng những nguyên tắc nêu trên là hết sức khó khăn trong một thế giới có đầy các biến động về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh luôn đe dọa bởi nạn khủng bố lan tràn… Thực tế đó đòi hỏi phải có những nguyên tắc phù hợp hơn, cụ thể hơn và có tính khả thi hơn. Căn cứ theo bản Tuyên bố Rio – 92 về môi trường và phát triển, Luc Hens (1992) đã đưa ra 7 nguyên tắc mới về sự phát triển bền vững[8], đó là:
1. Nguyên tắc về sự ủy thác của nhân dân.
2. Nguyên tắc phòng ngừa.
3. Nguyên tắc bình đẳng giữa các thế hệ.
4. Nguyên tắc bình đẳng trong nội bộ.
5. Nguyên tắc phân quyền và ủy quyền.
6. Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.
7. Nguyên tắc người sử dụng phải trả tiền.
Qua nghiên cứu sự phát triển và phát triển bền vững, đặc biệt là các mục tiêu phát triển bền vững, ta thấy không chỉ ngày nay con người mới đặt ra nội dung này, mà ngay từ buổi đầu của lịch sử và đi cùng với lịch sử nhân loại trong suốt mấy ngàn năm qua con người cũng đã đặt ra. Quan trọng là con người đã đưa ra các cách giải quyết mối quan hệ giữa ba mục tiêu đó như thế nào trong quá trình lịch sử - tự nhiên cũng như chiến lược phát triển bền vững trong thời đại ngày nay? Điều này liên quan đến sự biến đổi của mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội, phát triển con người với việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thuên nhiên và môi trường một cách bền vững.
2. Thực thi chiến lược phát triển bền vững trên thế giới vàViệt Nam.
2.1. Trên bình diện quốc tế
Phát triển bền vững trở thành một nhu cầu cấp thiết, có tính sống còn của xã hội trong quá trình phát triển của mọi quốc gia. Chiến lược phát triển bền vững nhằm thực hiện 3 mục tiêu (phần 1.2.2) đã trở thành chiến lược phát triển xã hội của nhiều nước và ở cấp độ toàn cầu. Mười năm sau Hội nghị Thượng đỉnh thế giới Rio de Janeiro, tức năm 2002, Liên hợp quốc đã tổ chức một hội nghị mang tên “Hội nghị Thưởng định Thế giới về phát triển bền vững”. Hội nghị đã ra quyết định về việc xúc tiến thực hiện Agenda 21 (Chương trình nghị sự 21) và bước đi cụ thể là đề ra các mục tiêu phát triển thiên niên kỉ (MDGs)[9].
Mặc dù đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới đồng thuận, nhưng cho đến nay việc triển khai thực hiện và kết quả đạt được về phát triển bền vững vẫn còn hạn chế rất lớn. Trở ngại chính cho tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững là do thái độ thiếu thiện chí của nhiều nước, nhất là các nước công nghiệp phát triển. Những minh chứng cho điều này như sau:
Sau Nghị định thư Kyoto (1997) về việc kiểm soát khí thải và tình trạng nóng lên của trái đất vẫn chưa được sự đồng thuận của các nước, nhiều nước vẫn không tuân thủ nghiêm túc theo quy định. Báo cáo của WMO cho thấy, trong giai đoạn 1990-2010, lượng phóng xạ có nguồn gốc từ các loại khí gây hiệu ứng tăng 29% và đang làm nhiệt độ trái đất nóng dần lên[10]. Năm 2010, WB cũng công bố danh sách 10 nước có khối lượng phát thải khí nhà kích lớn nhất thế giới thuộc về Trung Quốc, Mĩ, Nga, Nhật Bản, hàn Quốc….Theo các mô hình nghiên cứu, trong thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình của Trái đất có thể tăng từ 1,1 - 6 độ C, khả năng xảy ra là từ 1,8 - 4 độ C tùy theo sự phát thải hiệu ứng nhà kính cắt giảm đến mức độ nào để làm giảm bớt khí CO2 và các khí khác gây hiệu ứng nhà kính. Nếu như ngay từ lúc này, nhân loại dừng phát thải khí nhà kính thì nhiệt độ bề mặt Trái đất vẫn tiếp tục nóng lên, nước biển vẫn tiếp tục dâng lên trong vòng 50 năm nữa. Mực nước biển dâng lên từ 28 - 43 cm. Nhưng có thể mực nước biển còn dâng cao hơn nữa tùy theo sự phát thải của hiệu ứng nhà kính và tác động của con người[11], thực trạng đó làm tăng hiện tượng chọc thủng tầng Ôzôn, hiệu ứng nhà kính, mưa axít… dẫn đến sự biến đổi nguy hiểm của khí hậu Trái Đất.
Đến nay, khoảng cách giàu nghèo trên thế giới vẫn không ngừng tăng, dẫn đến bất bình đẳng nghiêm trọng, đe dọa đến an ninh nhiều nước (xung đột, bệnh tật, đói nghèo…). Theo thống kê, trong vòng 10 năm (1990 – 2001), các nước giàu với số dân chỉ khoảng 20% thế giới nhưng chiếm tới 86% tổng mức tiêu dùng cá nhân trên toàn cầu. Trong khi đó, 20% dân số nghèo nhất thế giới chỉ chiếm 1,3% tổng mức tiêu dùng cá nhân trên toàn cầu. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ các nước nghèo vẫn tiếp tục bị hút về các nước giàu. Hiện nay, phân hóa giàu nghèo trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng, tại các nước OECD, nhóm 10% dân số giàu nhất ở các nước thuộc OECD có thu nhập cao gấp 9,5 lần so với 10% dân số nghèo nhất. Những nước phân hóa giàu nghèo cao nhất hiện nay như Mĩ, Trung Quốc, Ấn Độ, Đan Mạch, Chi Lê, Thụy Điển, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kì…
Tình hình môi trường trên Trái Đất vẫn tiếp tục xấu đi, các hiện tượng thời tiết cực đoan, đe dọa đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái… mặc dù nhiều quốc gia đã quan tâm giải quyết. Từ năm 1993-2001, mỗi năm các nước đang phát triển đã dành 140 tỉ USD để thực thi Agenda 21, còn các nước phát triển là 0,7% sản lượng kinh tế quốc dân. Khoảng chi phí đó vẫn còn quá nhỏ so với thực tế để sửa chữa, khắc phục hậu quả.
Mặt khác, bản thân các tiêu chuẩn chung về phát triển bền vững mà Agenda 21 đã nêu ra cũng chưa thể lường tính hết được những đặc thù về trình độ phát triển, cấu trúc xã hội và đặc thù văn hóa của từng quốc gia. Chính vì thế việc hiểu, áp dụng các chuẩn mực còn xa mới đi đến nhất quán. Bên cạnh đó, nhiều đòi hỏi đưa ra trên thực tế là khó và thậm chí không thể đáp ứng được đối với các nước đang phát triển hiện đang sống chủ yếu dựa vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Các nước trên thế giới đều hiểu rõ thực trạng này, nhưng vẫn khó thực thi mặc dù đã có nhiều cảnh báo, lí do cơ bản là vị lợi ích quốc gia là trên hết.
Để giảm thiểu phần nào các trở ngại trên, Đại hôi đồng Liên hợp quốc khóa 59 (2004) đã thông qua 40 nghị quyết và 5 quyết định nhằm thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững và trọng tâm là yêu cầu phối hợp hành động giữa các nước, nhất là các nước giàu trong việc phối hợp giải quyết, giúp đỡ các nước nghèo. Những nội dung cần phối hợp giải quyết đó là xóa đói giảm nghèo; chống tham nhũng; cứu trợ nhân đạo; khắc phục hậu quả thiên tai; chuyển giao công nghệ; xóa/giảm nợ… Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng thể chế  (tính minh bạch, dân chủ, chiến lược phát triển, pháp lí, …) ở các quốc gia để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
2.2. Vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam
Nhận thức tầm quan trọng của sự phát triển bền vững, Việt Nam đã sớm đề ra một chiến lược cho phát triển bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai cho thế hệ sau.
Việt Nam đã tham gia tích cực Hội nghị thượng đỉnh Trái Đất năm 1992 và kí kết Chương trình nghị sự 21. Điều đó cho thấy Việt Nam đã xác nhận và cam kết với thế giới về phát triển bền vững, tiến hành các hoạt động cụ thể để tổng hòa những nhu cầu về kinh tế, xã hội và môi trường quốc gia.
Năm 1991, Việt Nam đã thông qua Bản kế hoạch chiến lược quốc gia về môi trường và phát triển bền vững giai đoạn 1991 – 2000. Đại hội IX đề ra quan điểm phát triển đất nước trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa là “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”; Phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, đảm bảo sự hài hòa giữa môi trường với thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học[12]. Năm 2004, Thủ tướng đã phê duyệt “Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam” (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam). Đây là một chương trình tổng thể bao gồm Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 – 2010; Chiến lược bảo vệ môi trường đến 2010 và tầm nhìn 2020 Kế hoạch 5 năm (2006 – 2010). Trong đó khẳng định, Phát triển bền vững được xem là sự phát triển hài hòa về 3 mặt: kinh tế, xã hội và môi trường  nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của thế hệ hiện tại nhưng không làm tổn hại, gây trở ngại đến khả năng cung cấp tài nguyên để phát triển kinh tế xã hội mai sau… Điều đó cho thấy, quan điểm về phát triển bền vững của Việt Nam đã thể hiện một cách tương đối đầy đủ và cụ thể quan điểm về sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Về thực chất, định hướng phát triển bền vững (gồm mục tiêu, nguyên tắc…) đã được Việt Nam lồng ghép trong Chiến lược phát triển Kinh tế - xã hội theo các thời kì, giai đoạn cụ thể trong thế kỉ XXI[13]. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện mục tiêu đó ở Việt Nam vẫn còn nhiều trở ngại, nhiều vấn đề bức xúc vẫn còn tồn đọng. Chẳng hạn, mặc dù tỉ lệ nghèo ở nước ta tuy được kiểm soát và giảm nhưng trong những năm qua sự chênh lệch giàu nghèo không giảm, thu nhập bình quân đầu người của nhóm 20% nghèo nhất tăng gấp 2,5 lần, từ 8,1 năm 2002 lên 8,9 năm 2008[14]. Hiện nay, trong nhóm tiêu dùng nghèo nhất, tỷ lệ này chiếm tới 65%, trong khi nhóm giàu nhất chỉ có 33%. Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2012 tại 12 tỉnh” có tới 42% nông dân cho rằng họ không hài lòng và 6% rất không hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình…; Bên cạnh đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia bị tác động lớn của bến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao xảy ra ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, Thành Phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng Sông Hồng…, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và thiên tai gây nhiều thiệt hại ước tính chiếm 1,5% GDP/năm. Nạn ô nhiễm môi trường, gây hiệu ứng nhà kính nặng nề nhất là ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội…
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, để triển khai tốt Chương trình nghị sự 21 của Liên hợp quốc và Việt Nam cần phải hiểu chung, thống nhất về các mục tiêu; xây dựng sự nhất trí và đồng thuận;  phối hợp và hợp tác quốc tế; sự lãnh đạo tập trung; thiết lập hệ thống chỉ số theo dõi tình hình; …
Từ khi có chương trình nghị sự 21 đến nay, ở nước ta đã tích cực tìm kiếm và hỗ trợ đầu vào của nhiều bên có liên quan, kể cả từ phía các nhóm dân sự chính. Một loạt các cuộc họp, hội thảo và hội nghị bàn tròn, cả cấp quốc gia và địa phương đã, đang và sẽ tiếp tục tiến hành trên phạm vi cả nước với những chủ đề nghiên cứu, thảo luận có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao để đóng góp một cách tích cực vào sự nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới.
Tóm lại, trên đây chỉ mới là những vấn đề chủ chốt, mang tính cụ thể trước mắt trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Phát triển bền vững là một chiến lược phát triển mới, lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp của tất cả các quốc gia, dân tộc trên toàn cầu.
3. Tương lai phát triển bền vững đến năm 2020
Trong thế kỉ XXI, nhân loại đang thừa hưởng những thành quả do mình mang lại là cực kì to lớn, nhưng bên cạnh đó, nhân loại cũng phải đối mặt với nhiều thách thức nan giải mang tính toàn cầu như khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống đe dọa mọi quốc gia dân tộc. Vì vậy, việc tìm kiếm những mô hình phát triển mới là đòi hỏi cấp thiết đối với tất cả các nước. Phát triển bền vững là xu thế tất yếu trong xu thế toàn cấu hóa và khu vực hóa.
Dự báo đến năm 2020, việc thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vững sẽ được các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam thực hiện và mang lại một số kết quả về kinh tế, xã hội và môi trường nhưng thế giới sẽ chứng kiến sự không hài lòng với kết quả đạt được. Cơ sở của dự báo trên là, đến nay trên qui mô toàn cầu hay cấp độ khu vực, cấp quốc gia (châu Âu (EU), châu Á – Thái Bình Dương, châu Phi…), các chương trình đều hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, những hành động cụ thể được xây dựng trong các Agenda được triển khai. Tuy nhiên, mỗi quốc gia riêng biệt cũng gặp không ít các thách thức và trở ngại phải đối mặt như cơ sở hạ tầng về kinh tế và xã hội thiếu, yếu kém; tài chính trong nước hạn chế; tài nguyên không đầy đủ, nhân lực chưa đáp ứng về trình độ kỹ thuật, khoa học và quản lý; công nghệ sản xuất lạc hậu; văn hóa, tôn giáo, tộc người chưa dung nạp với nhau…Mặt khác, việc khắc phục một số thảm họa tự nhiên – biến đổi khí hậu có nhiều yếu tố đã vượt quá khả năng kiểm soát của quốc gia. Đó chính là những nhân tố thúc đẩy sự liên kết khu vực, bổ sung tăng cường các nguồn lực cho nhau để góp phần phát triển bền vững trên bình diện khu vực và từng quốc gia.
Với những kinh nghiệm từ các nước được đánh giá là khá thành công trong phát triển bền vững như Nhật Bản, Đức, Anh, Mĩ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Thụy Điển, Canada, …cùng với những cơ sở pháp lí quốc tế tạo khuôn khổ cho phát triển bền vững ở nhiều cấp độ sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong thế kỉ XXI.
Kết luận
Từ cách tiếp cận những vấn đề lí luận và thực tiễn về phát triển bền vững, có thể thấy việc phát triển một cách hài hòa giữa tăng trưởng và phát triển kinh tế, phát triển xã hội trên cơ sở công bằng xã hội; phát triển con người và khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ, cải thiện môi trường sống là vấn đề bức thiết, có ý nghĩa sống còn đối với mọi quốc gia, dân tộc trên hành tinh.
Từ vấn đề phát triển không bền vững trong lịch sử nhân loại trong thời gian qua, cho thấy trạng thái mâu thuẫn nghiêm trọng trong sự phát triển của tiến trình phát triển kinh tế và nguy cơ trái đất bị hủy diệt do dự biến đổi khí hậu gây nên. Nhân loại trước hết cần tìm hiểu thấu đáo bản chất, nội dung và ý nghĩa cũng như cách thức, chiến lược thực hiện sự phát triển bền vững để hiểu rõ mối quan hệ giữa phát triển kinh tế, xã hội và môi trường trong thời đại này nay.
Trong bối cảnh toàn cấu hóa, việc thực hiện 3 mục tiêu chiến lược của phát triển bền vững mặc dù đã trở thành nhu cầu khách quan, tất yếu của xã hội nhưng quá trình thực hiện chiến lược đó không phải là dễ dàng, quan trọng là cần sự đóng góp chung của tất cả các nước trên thế giới để “Biến chiến lược phát triển bền vững thành hiện thực trên phạm vi toàn cầu”.
Đối với Việt Nam, sự quyết tâm, đồng thuận và nâng cao sự quản lý của nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế, khai tác sử dụng hợp lí, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường có tầm quan trọng đặc biệt, mang tính quyết định. Đồng thời Việt Nam cũng cần có sự phối hợp và hợp tác quốc tế trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vững trong thế kỉ XXI.

Chú thích:           


[1]Xem: IUCN (1980), World conservaition strategy – Living resource conservaition for Sustainable development, Gland, Switzeland.
[2]Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (2003), Toàn cầu hóa và phát triển bền vững, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.124.
[3]World Commission on Environment and Development (1987), Our common future, Oxford University Press, Oxpor and Newyork & IUCN/UNEP/WWF (1991), Caring for the earth – A strategy for sustainable living, IUCN, Gland, Switzeland.
[4]Trích theo: Lý Quý An (1992), Những quan điểm chủ yếu về môi trường và phát triển tại Hội nghị Rio – 92, Tạp chí Thông tin môi trường, số 3/1992, tr.3.
[5]Dẫn theo: Phạm Thị Ngọc Trầm (2006), Quản lí Nhà nước đối với tài nguyên và môi trường vì sự phát triển bền vững dưới góc nhìn Xã hội – Nhân văn, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.106.
[6]Xem: Những nhân tố phát triển bền vững, Thông tin chiến lược phát triển khoa học, kỹ thuật, kinh tế, số 8, 1996, tr.2.
[7]Xem: Hà Huy Thành – Nguyễn Ngọc Khánh (Đồng chủ biên, 2009), Phát triển bền vững – Từ quan niệm đến hành động, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.112.
[8]Xem: Hà Huy Thành – Nguyễn Ngọc Khánh (Đồng chủ biên, 2009), Phát triển bền vững – Từ quan niệm đến hành động, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.112.
[11]Doãn Công Khánh (2013), Biến đổi khí hậu: Thực tiễn và bài học cho Việt Nam, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=20704&print=true.
[12]Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.162.
[13]Xem Hà Huy Thành – Nguyễn Ngọc Khánh (Đồng chủ biên, 2009), Phát triển bền vững – Từ quan niệm đến hành động, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.268.
[14]Lê Ngọc Hùng (2012), Chênh lệch giàu nghèo và phân tầng xã hội ở Hà Nội hiện nay, Báo điện tử Đàng Cộng sản VN, 20/04/2012.


No comments: