George Coedes
Ngô Bắc dịch
Lời người dịch: Dưới đây là bản dịch Chương 3 của tác phẩm nhan đề The Indianized States of Southeast Asia của G. Coedès, một tác phẩm được xem như "kinh điển" bắt buộc phải học tại các đại học ngoại quốc, cho việc học hỏi và nghiên cứu về lịch sử ban sơ của vùng Đông Nam Á.
Chương này trình bày về sự thành lập của các quốc gia thời cổ trên đất Việt như Phù Nam, Lâm Ấp tức Chàm hay Chiêm Thành sau này nhưng chưa đề cập đến Chân Lạp tức Căm Bốt sau này. Các vương quốc đầu tiên trên đất Việt này đều chịu ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ nên các dịa danh và nhân danh bằng tiếng Phạn (Sanskrit) hay tiếng Pali của Ấn Độ đều đã đuợc phiên âm và ký tự sang Hán ngữ trong các văn bản tham chiếu của Trung Hoa. Vì trong nguyên bản không có mặt chữ của Hán Tự để tra cứu và đối chiếu mà chỉ có phần ký âm nên trừ rất ít trường hợp gặp từ ngữ thông dụng và không có gì phải nghi ngờ, ngườI dịch giữ nguyên các địa danh hay nhân danh như đã ký âm trong nguyên bản.
CÁC VƯƠNG QUỐC ẤN ĐỘ ĐẦU TIÊN
Từ Khởi Thủy Cho Đến Giữa Thế Kỷ Thứ Tư
Các yếu tố khác nhau được phân tích ở chương trước đã dẫn đến sự tạo lập các quốc gia Ấn Độ nhỏ được cai trị bởi các lãnh tụ mang tên bằng tiếng Phạn (Sanskrit) (*a). Các quốc gia này bắt đầu xuất hiện vào lúc khởi đầu của thế kỷ thứ ba sau Dương Lịch, do đó xác nhận các dữ liệu trong các danh biểu địa dư của Ptolemy (1) (*b).
Các quốc gia này chỉ để lại một ít vết tích khảo cổ học hay văn bia từ thời kỳ trước thế kỷ thứ năm. Chúng ta biết rất ít về phần lớn các vương quốc đó trước nhật kỳ nêu trên ngoại trừ các quốc hiệu được đề cập tới bởI Ptolemy, bởi Nghĩa Thích Kinh Niddesa (*c), và, quan trọng hơn hết, bởi các sử ký biên niên của các triều đại Trung Hoa, có ghi chép một cách kỹ lưỡng các sứ đoàn ngoại giao đến từ vùng biển Nam Hải. Vị trí của phần lớn các quốc gia này không chắc chắn hay chỉ được phỏng chừng.
Vương quốc nhỏ nhất của các xứ sở này thường sẽ lọt vào quỹ đạo của các vương quốc hùng mạnh nhất -- những vương quốc nhất thiết có một tương lai tươi sáng, mà lịch sử của chúng có thể được phác họa lại từ các văn bản và văn bia của Trung Hoa.
1. KHỞI THỦY CỦA PHÙ NAM (THẾ KỶ THỨ NHẤT SAU DƯƠNG LỊCH):
Vương quốc quan trọng nhất trong những vương quốc này hiển nhiên là quốc gia mà Trung Hoa gọi là Phù Nam (Funan). Danh xưng này là sự phát âm theo Quan Thoại hiện nay của hai từ đã từng được đọc là b’iu-nâm (2), vốn là ký tự của chữ Khmer cổ bnam, có cách viết hiện đại là phnom, “núi đồi”. Các vị vua của xứ sở này bao gồm trong vương hiệu của họ thành ngữ “vua núi” (king of the mountain) –trong Phạn ngữ (Sanskrit) là parvatabhupala haysailaraja, trong tiếng Khmer là kurung bnam (3). Người Trung Hoa đã đi đến việc chỉ danh xứ sở bằng vương hiệu này.
Trung tâm của xứ sở tọa lac tại vùng hạ lưu và đồng bằng sông Cửu Long, nhưng lãnh địa của nó vào thời cực thịnh bao gồm cả miền nam Việt Nam, miền trung sông Cửu Long, và phần lớn Thung Lũng sông Menam cùng bán đảo Mã Lai. Thủ đô của nó trong một thời kỳ là Vyadhapura, “thành phố của những người săn bắn” (the city of hunters) (4) – trong Hán ngữ là T’e mu, có thể là ký tự của một từ ngữ trong tiếng Khmer (dmâk, dalmâk) có cùng một ý nghĩa (5). Thành phố tọa lạc ở vùng lân cận ngọn đồi Ba Phnom và làng Banam, hai địa điểm trong tỉnh Prei Veng của Căm Bốt mà, trong danh xưng của chúng, được lưu truyền mãi đến thời đại chúng ta để ghi nhớ địa danh cổ xưa này. Theo Sử Ký nhà Lương (History of the Liang) (6) thủ đô này nằm cách bờ biển 500 lí (dặm) (200 km). Khoảng cách này gần tương đương với khoảng cách từ Ba Phnom với địa điểm Óc Eo (7), nơi có tọa lạc, nếu không phải chính là một hải cảng, thì ít nhất cũng là một thị trường có các thương nhân ngoại quốc đến cư ngụ.
Những tin tức đầu tiên về Phù Nam đến từ một bản tường trình bởi phái bộ của các sứ giả Trung Hoa K’ang T’ai và Chu Ying là những kẻ đã đến thăm viếng xứ sở này vào giữa thế kỷ thứ ba (8). Bản gốc của sự tường thuật của họ đã thất lạc, nhưng vẫn còn lại các đoạn trích dẫn nằm rải rác trong các biên niên sử và trong nhiều bộ toàn thư. Những tài liệu này, cùng với một bản văn bia bằng tiếng Phạn hồi thế kỷ thứ ba, tạo thành tư liệu căn bản của chúng ta về hai thế kỷ đầu tiên trong lịch sử của vương quốc này.
Theo K’ang T’ai, nhà vua đầu tiên của Phù Nam là một kẻ nào đó tên là Hun-t’ien, tức là Kaundinya, đến hoặc từ India hay từ Bán Đảo Mã Lai hay các hòn đảo ở phương nam (9). Vị vua này, nằm mơ thấy vị thần bổn mạng trao một nỏ thần cho ông ta và chỉ thị ông leo lên một thương thuyền lớn, ra đi trong buổi sáng để tiến đến một ngôi đền, nơi mà ông ta tìm thấy một cái nỏ dưới gốc cây của vị thần. Rồi thì ông ta đã bước lên một chiếc thuyền, mà vị thần đã cho cập bến vào Phù Nam. Vị hoàng hậu của xứ này, Liu-ye, “Willow Leaf: Liễu Diệp (?)”, muốn cướp đoạt chiếc thuyền và cầm giữ nó, vì thế Hun-t’ien đã bắn một mũi tên từ nỏ thần của mình xuyên qua chiếc thuyền của Liu-ye. Qúa sợ hãi, hoàng hậu bèn đầu hàng, và Hun-t’ien đã lấy bà ta làm vợ. Nhưng, không hài lòng khi thấy bà ta trần truồng, ông đã dùng một mảnh vải gấp lại làm thành quần áo mà ông đã bắt bà ấy mặc chui qua đầu. Sau đó ông cai trị đất nước và truyền ngôi lại cho các hậu duệ của mình.
Đây là dịch bản của Trung Hoa về các nguyên ủy vương triều xứ Phù Nam. Bản dịch này rõ rệt là một bản dịch sai lệch từ một chuyện thần thoại của Ấn Đô, được kể lại một cách trung thực hơn bởi một văn bia bằng Phạn Ngữ của xứ Chàm (10). Theo bản dịch này, vị tăng lữ Kaundinya, nhận được một cây dáo (lao) dài từ vị tăng lữ Asvatthaman, con của Drona, đã phóng lao đi để đánh dấu địa điểm của kinh đô tương lai của mình, sau đó đã cưới một công chúa con của vi vua Nagas [vua Rắn trong truyền thuyết của Ấn Độ?, chú của người dịch] tên là Soma, người đã sản sinh ra một giòng dõi hoàng tộc (11) . Sự phối hôn huyền bí này -- vốn vẫn còn được truy niệm tại triều đình Angkor vào cuối thế kỷ thứ mười ba trong một nghi lễ được nhắc tới bởi vị sứ giả Trung Hoa tên Chou Ta-kuan (Châu Đạt Quan) (12), và các biên niên sử hiện đại của Căm Bốt vẫn còn lưu giữ truyền ức này (13) -- thì giống hệt với câu chuyện mà các vị vua Pallava của vùng Kanchi, miền Nam Ấn Độ, xác nhận mình là hậu duệ (14). Tuy nhiên, đã có những ý kiến khác nhau về nguồn gốc mơ hồ của chủ đề thần thọai này (15).
Trong bất kỳ trường hợp nào, các biến cố lịch sử bó buộc phải phù hợp với bố cục này đã không thể nào xảy ra sau thế kỷ thứ nhất theo Dương Lịch, bởi ngay từ lúc khởi đầu của thế kỷ thứ nhì kế đó chúng ta tìm thấy các nhân vật lịch sử Phù Nam với sự xuất hiện được ghi nhận bởi văn bia và các sử gia Trung Hoa.
Theo Sử Ký nhà Lương (History of the Liang), một trong những hậu duệ của Hun-t’ien, tên là Hun-p’an-huang trong Hán ngữ, đã hơn chín mươi tuổi vào lúc từ trần. Ông này được kế vị bởi “con trai thứ nhì của mình tên P’an-p’an, là kẻ đã giao thác việc trông coi sự cai trị của mình cho vị tướng quân tài giỏi là Fan Man,” (16) vốn có tên đầy đủ là Fan Shi-man, theo Sử Ký của nhà Ch’i phương Nam (History of the Southern Ch’i). (17)” Sau ba năm trị vì, P’an-p’an băng hà. Toàn thể thần dân của vương quốc đã tuyển chọn [Fan Man] làm vua. Ông ta là một người can đảm và có khả năng. Một lần nữa, với đội quân hùng mạnh của mình, ông ta đã tấn công và khuất phục các vương quốc láng giềng; và tất cả các vương quốc này đều trở thành nước thần phục ông ta. Ông tự đặt vương hiệu của mình là Đại Quốc Vương của Phù Nam. Sau đó ông ra lệnh đóng chiếc thuyền lớn, và lái thuyền trên khắp vùng biển mênh mông ông đã tấn công hơn mười vương quốc, trong đó bao gồm cả Ch’u-tu-k’un, Chiu-chihm và Tien-sun. Ông đã mở rộng lãnh thổ của mình đến năm hay sáu nghìn lý ( li: dặm)” (18)
2. CÁC VƯƠNG QUỐC ẤN ĐỘ TẠI BÁN ĐẢO MÃ LAI TRONG THẾ KỶ THỨ NHẤT KỶ NGUYÊN THIÊN CHÚA
Rolf Stein đã tin rằng trong văn bản trên Ch’u-tu-k’un phải được đọc là Ch’u-tu, Tu-k’un, vân vân, và rằng Ch’u-tu phải được xác định là Ch’u-tu-ch’ien (hay –kan), là xứ mà ông tin là tương ứng với xứ Kattigara của Ptolemy (19). Xứ sở này, được tạo lập bởi các di dân từ vùng Chu-wu (bắc Quảng Trị, giữa Cửa Tùng và Cửa Việt), phải được truy tìm tại vùng Cochin-china, nơi mà những cuộc nghiên cứu gần nhất cũng có khuynh hướng xác định địa điểm của Kattigara (20). Nhưng có lẽ phải tách rời Ch’u-tu-k’un với Ch’u-tu-ch’ien.(21)
Tien-sun chắc chắn là đồng nhất với Tun-sun, xứ mà một bản văn thời thế kỷ thứ năm- đến thế kỷ thứ sáu mô tả như là một xứ lệ thuộc của Phù Nam (22). Chúng ta có thể chấm định xứ này với một vài xác xuất trên vùng Bán Đảo Mã Lai, và một cách khá chính xác hơn trên hai bờ biển của eo đất Kra (23); các dữ liệu rải rác có được về các xứ sở khác cũng chỉ hướng về cùng chiều hướng này (24). Các cuộc chinh phục của Fan Shih-man khi đó môt phần sẽ phải xảy ra trên vùng bán đảo, nơi mà một số văn bản khác của Trung Hoa đã tiết lộ sự hiện hữu của nhiều tiểu vương quốc Ấn Độ hóa ở một thời kỳ rất sớm.
Một trong những nước cổ xưa nhất này có vẻ là nước Lang-ya-hsiu, mà sự thành lập đã được Sử Ký nhà Lương (502-556) ghi nhận vào khoảng “hơn 400 năm trước đó.” (25) Vương quốc này, sẽ tái xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ bẩy dưới các tên Lang-chia-shu, Lang-ya-ssu-chia, vân vân, chính là vương quốc Langkasuka trong các biên niên ký của Mã Lai và đảo Java (26); danh xưng của nó tồn tại trong địa dư hiện đại dưới tên của một chi lưu chảy vào nhánh thượng nguồn của giòng sông Perak River (27). Xứ này phải nằm dọc theo hai bên sườn của bán đảo và có sự tiếp cận cùng một lúc với Vịnh Thái Lan nơi miền Pattani (28) và với Vịnh Bengal, phía bắc Kedah, nhờ thế kiểm soát được một trong những con đường chuyển vận trên đất liền như đã thảo luận trong chương trước đây.
Tambralinga, nằm bên bờ biển phía đông của Bán Đảo Mã Lai giữa Chaiya ở hướng bắc và Pattani ở hướng nam, có trung tâm tại vùng Ligor (29), nơi có một văn bia bằng tiếng Phạn có nhật kỳ từ thế kỷ thứ sáu hay sau đó (30). Sự đề cập đến nó trong kinh Phật Giáo bằng tiếng Pali (*d) (Niddesa; Nghĩa Thích Kinh) bằng danh từ “Tambalingam” (31) chứng tỏ rằng vương quốc này đã sẵn hiện hữu vào khoảng thế kỷ thứ nhì.
Trường hợp tương tự cũng xảy ra với Takkola (32), được trích dẫn trong một văn bản Phật Giáo khác, với tên Milindapanha; đã có một sự đồng ý chung rằng thị trấn này tọa lạc tại Takuapa nằm bên bờ biển phía tây của eo đất Kra hay có thể xa hơn về phía nam (33). Về hải cảng mà địa danh được ký tự sang Hán ngữ là T’ou-chu-li và đôi khi được đồng nhất hóa với Takkola, Paul Wheatley (34) vạch cho thấy rằng danh từ này trong thực tế là Chu-li và rằng nó tương đương với địa danh Koli của Ptolemy, có lẽ ở vùng cửa sông Kuantan. Chính từ địa điểm này mà sứ đoàn được Phù Nam phái đi sang Ấn Độ hồi thế kỷ thứ ba đã bước xuống tàu.
Nếu chúng ta không kể đến các ngôi mộ bằng đá tảng khổng lồ tại Perak và Pahang và những sự khám phá các ngọc trai Ấn Độ và “La Mã” tại Kota Tingi vùng Johore (35), vốn thuộc vào lãnh vực lịch sử nguyên thủy (proto-history), chính là từ vùng Kedah và vùng Perak mà các di tích khảo cổ và văn bia cổ xưa nhất của Bán Đảo Mã Lai đã được phát hiện.
Những sự khám phá đó tại Kedah thuộc về nhiều thời kỳ khác nhau. Chúng chứng thực tính cổ xưa của địa điểm này, mà chúng ta sẽ lại đựoc nghe thấy sau này dưới tên trong Phạn ngữ là Kataha và trong tên bằng Hán ngữ là Chieh-ch’a. Nhưng, như các văn bia và các khám phá khảo cổ khác (36), chúng cũng không có nhật kỳ lùi xa như của Ptolemy, của Nghĩa Thích Kinh Niddesa, hay các văn bản của Trung Hoa, tức, lùi xa mãi đến tận thời kỳ có các cuộc chinh phục của Phù Nam trên vùng bán đảo. (37)
3. PHÙ NAM (THẾ KỶ THỨ NHÌ ĐẾN THẾ KỶ THỨ BA):
Thật khó để xác định chính xác phạm vi của các cuộc chinh phục của Fan-Shih-man. Có lý do tốt để xem tên gọi của ông ta như là tiếng phiên dịch từ tên của nhà vua Sri Mara vốn được đề cập đến trong bia đá khắc chữ Phạn đầy cổ kính tại Võ Cạnh (trong vùng Nha Trang) (38). Văn bia này từ lâu được nghĩ là của người Chàm (39), nhưng vào năm 1727 Louis Finot đã gán nó cho một vương quốc chư hầu của Phù Nam (40). Nếu lý lịch của Sri Mara (41) đồng nhất với Fan Shih-man là chính xác, bia ký -- vốn phát sinh từ một hậu duệ của Sri Mara là người đã trị vì, theo phán đóan từ bản bia ký, trong thế kỷ thứ ba -- phải được xem là một trong những nguồn tư liệu về lịch sử của Phù Nam. Điều hiển nhiên từ bia ký này là vào thời điểm tấm bia đuợc khắc và tại vùng mà bia được dựng (tức vùng Khánh Hòa ngày nay), Phạn ngữ đã là ngôn ngữ chính thức của vương triều.
Các văn bản Trung Hoa đã dẫn cho chúng ta biết rằng nhà chinh phục vĩ đại Fan Shih-man đã chết trên đường viễn chinh chống lại xứ Chin-lin, hay Biên Cương Vàng (Frontier of Gold), là địa danh, mà chúng ta có lý do để tin tưởng, tương đương hoặc với Suvannabhumi, xứ Đất Vàng (the Land of Gold) trong các văn bản tiếng Pali (Ba Lị), hay với từ Suvarnakudya, Bức Tường Vàng (the Wall of Gold) trong các văn bản tiếng Phạn (vùng Hạ Miến (Lower Burma) hay Bán Đảo Mã Lai) (42). Một người cháu trai của Fan Shih-man, tên Fan Chan, hạ sát người kế ngôi chính thống, Chin-cheng, và chiếm đoạt quyền hành. Nhưng khoảng hai mươi năm sau, Fan Chan bị ám sát bỏi một người con trai của Fan Shih-man tên là Ch’ang. Sự trả thù này không phải là không có hậu quả, bởi đến lượt Ch’ang đã bị hạ sát bởi một viên tướng tên là Fan Hsun, kẻ đã tự xưng lên ngôi vua.
Những biến cố này đã xảy ra vào khoảng giữa năm 225 và năm 250 (43), và trong thời khoảng giữa hai năm này, dưới thời trị vì của Fan Chan, Phù Nam đã tiến tới sự quan hệ với triều đại Ấn Độ tại Murundas và đã gửi sứ đoàn đầu tiên đến Trung Hoa. Tôi có nhấn mạnh ở đâu đó (44) rằng tầm quan trọng của “biến cố này, vốn có liên hệ đến các sự quan tâm về thương mại nhiều hơn về các tham vọng chính trị, mang lại một tầm quan trọng nào đó cho thời trị vì của vị vua này. Trong thời này, tức thời Tam Quốc, miền nam nước Trung Hoa (nước Ngô) nhận thấy rằng nó không thể xử dụng đường bộ bị kiểm sóat bởi nước Ngụy để giao thương với phương Tây, đã tìm cách thụ đắc bằng đường biển các xa xỉ phẩm mà nó mong muốn (45). Bấy giờ Phù Nam chiếm ngụ một vị trí ưu việt trên lộ trình hải thương và tất yếu trở thành một trạm giữa đường cho các thủy thủ đi qua Eo Biển Malacca cũng như cho các thủy thủ, nhiều hơn gấp bội, đi ngang qua các eo đất của Bán Đảo Mã Lai. Có thể Phù Nam còn là trạm chót cho cho hải trình từ phía đông Địa Trung Hải, nếu quả thực Kattigara của Ptolemy nằm ở bờ biển phía tây của Cochin China.”
“Thời trị vì của Fan Chan thì quan trọng,” như Paul Pelliot viết (46); “chính kẻ tiếm ngôi này đã là người đầu tiên thiết lập các quan hệ chính thức và trực tiếp với các ông hòang của Ấn Độ. Một văn bản của thế kỷ thứ năm cho biết rằng một nhân vật nào đó tên Chia-hsiang-li, bản dân của xứ mang tên T’an-yang, có vẻ tọa lạc tại miền tây Ấn Độ, đã đến Ấn Độ, và từ đó [Ấn Độ ?, chú của người dịch] sang Phù Nam. Chính nhân vật này đã truyền dạy cho nhà vua Fan Chan những điều kỳ diệu mà quốc gia này có thể phô diễn cho du khách, nhưng cuộc du hành quá lâu; vừa đi và về có thể kéo dài ba năm và có thể đến bốn năm. Có phải là nhà vua Fan Chan đã bị quyến rũ bởi sự tường thuật của Chia-hsiang-li hay không? Ít nhất chúng ta biết được từ một ngồn tư liệu đáng tin rằng nhà vua có gửi một trong những thân nhân của ông tên là Su-wu đi trong một sứ đòan sang Ấn Độ. Nhân vật này lên tàu từ T’ou-chu-li, có lẽ là Takkola (47), cho thấy rằng ảnh hưởng của Phù Nam đã vươn xa tới tận vùng Ấn Độ Dương vào lúc đó. Sứ đòan đã đến cửa sông Ganges và ngược dòng lên đến thủ đô của một ông hòang không còn gì ngờ vực, như Sylvain Lévi đã nhận ra, thuộc một triều đại Murunda. Nhà vua Ấn Độ đã dẫn các khách ngọai quốc đi một vòng thăm xứ sở của mình; sau đó nhà vua chia tay với đòan khách, gửi cho họ bốn con ngựa của xứ Indo-Scythian như một quà tặng lên vị vua của đòan khách và cho một người Ấn Độ tên Ch’en-sung đi tháp tùng. Vào lúc mà Su-wu trở lại Phù Nam, bốn năm đã trôi qua kể từ ngày khởi hành.”
Cũng chính Fan Chan, theo Sử Ký Thời Tam Quốc (History of the Three Kingdoms), là người vào năm 243 “đã gửi một sứ đòan (đến Trung Hoa) để trao tăng vật gồm các nhạc sĩ và các sản vật của xứ sở.” (48)
Liệu cũng chính ông đã là tác giả của bia ký bằng tiếng Phạn đã trích dẫn ở trên, và là người mà văn bản này đã chỉ danh như là một thành viên của gia đình Sri Mara hay không? Điều này không phải là không thể xảy ra, bởi Fan Chan, con trai của người em (hay chị) gái của Sri Mara, rất có thể đã tuyên nhận là có quan hệ với vị vua tiền nhiệm.
Kẻ tiếm ngôi Fan Hsun, người kế ngôi Fan Chan sau khi đã hạ sát một người con trai của Fan Shih-man, đã tiếp kiến ở thời điểm nào đó trong khỏang giữa năm 245 đến năm 250 phái bộ Trung Hoa gồm K’ang T’ai và Chu Ying, là những người đã gặp một sứ gỉa của Murundas tại triều đình của vua Fan Hsun. (49)
Phái bộ Trung Hoa này đã thiết lập quan hệ với Phù Nam đưa đến sự sai phái từ vua Fan Hsun một lọat các sứ đòan sang Trung Hoa trong thời khỏang từ năm 268 đến năm 287. Những sứ đòan này đã được đề cập đến trong Sử Ký nhà Tần (History of the Chin) (50) Ba sứ đòan sau cùng, từ năm 285 đến năm 287, có lẽ là kết quả của sự phục sinh thương mại hàng hải sau khi có sự thống nhất Trung Hoa bởi nhà Tần vào năm 280, một sự thống nhất đã kích thích một ước muốn gia tăng về phía triều đình đối với những sản phẩm và xa xỉ phẩm nhập cảng từ những xứ sở ở phương nam.
Rõ rệt là nhờ ở K’ang T’ai mà chúng ta đã có được các thông tin đầu tiên về xứ sở này: “Có những ngôi làng có tường bao quanh, các dinh thự, và các nhà ở. Đàn ông đều xấu xí và đen đủi, tóc quăn; họ gần như trần truồng và đi chân không. Bản chất của họ thì đơn giản và họ hòan tòan không có khuynh hướng ăn trộm gì cả. Họ dồn năng lực vào việc canh nông . Họ gieo hạt giống một năm và gặt hái cho ba năm [? nguyên văn không rõ nghĩa, chú của người dịch] Ngòai ra, họ thích chạm trỗ đồ trang trí và đục đẽo. Nhiều vật dụng ăn uống của họ làm bằng bạc. Thuế khóa được nạp bằng vàng, bạc, ngọc trai, dầu thơm (nước hoa). Có sách vở và các kho ký thác văn khố và các vật dụng khác. Chữ viết của họ giống như thứ chữ của người dân Hồ (Hu) [một sắc dân ở Trung Á Châu xử dụng chữ viết có nguồn gốc Ấn Độ].” (51)
4. CÁC BƯỚC KHỞI ĐẦU CỦA VƯƠNG QUỐC CHÀM (CHAMPA): LÂM ẤP (LIN-YI) (TỪ CUỐI THẾ KỶ THỨ NHÌ ĐẾN GIỮA THẾ KỶ THỨ TƯ}
Sử Ký nhà Tần có bao gộp một báo cáo vào trong tiểu sử của T’ao Huang, thái thú Trung Hoa tại Đông Kinh [tức bắc Việt Nam ngày nay, chú của người dịch] trong đó ông ta có phàn nàn, vào khỏang năm 280, về các cuộc đột kích của Lâm Ấp. Vương quốc này, ông cho biết, “phía nam tiếp giáp với Phù Nam. Họ có nhiều bộ lạc, các nhóm thân hữu tương trợ lẫn nhau; lợi dụng địa hình trắc trở trong vùng của mình, họ không thần phục [Trung Hoa].” (52)
Lâm Ấp là trung tâm đầu tiên của xứ Chàm, đã tiến vào lịch sử vào cuối thế kỷ thứ nhì. Thực sự, các văn bản Trung Hoa xác định sự thành lập của xứ này vào khỏang năm 192. (53). Một quan chức bản xứ, tên Ch’u-lien (Khu Liên ?, chú của người dịch], lợi dụng sự suy kém quyền lực của nhà hậu Hán, đã cắt một lãnh địa riêng cho mình khỏi chỉ huy sứ của Trung Hoa tại quận Jih-nam (Nhật Nam) (nằm giữa Hòanh Sơn và đèo Hải Vân, và tự xưng làm vua tại tiểu trấn cực nam, tức xứ mang tên Hsiang-lin, tương ứng khỏang đất phía nam tỉnh Thừa Thiên ngày nay của Việt Nam. Thọat đầu tên Lâm Ấp (Lin-yi) “thủ đô xứ Lâm” được nghĩ là tên gọi tắt của chữ Hsiang-lin-yi, tức “thủ đô của xứ Hsiang-Lin” (54) nhưng một học gỉa có nêu ý kiến hồi gần đây rằng đó là một danh hiệu có tính cách chủng tộc (55). Sự tạo lập vương quốc Lâm Ấp năm 192 đã diễn ra nửa thế kỷ trước đó, vào năm 137, bởi một mưu toan đầu tiên muốn xăm lăng vùng Hsiang-lin của một nhóm khỏang gần một ngàn dân mọi rợ bên ngòai các biên cương của quận Nhật Nam (56); tên của sắc dân này là Ch’u-lien, mặc dù được viết với mặt chữ khác, khó có thể tách biệt ra khỏi tên của kẻ tạo lập ra xứ Lâm Ấp.” (57)
Trong bất kỳ trường hợp nào, gần như chắc chắn rằng “những kẻ mọi rợ này bên ngòai các biên giới của quận Nhật Nam” đã là, nếu không hòan tòan là người Chàm, ít ra cũng là những người Nam Dương (Indonesians) là những kẻ, nếu họ chưa bị ảnh hưởng của Ấn Độ, thì chẳng bao lâu sau cũng sẽ trở thành như thế.
Chúng ta sẽ thấy, trên dòng lịch sử, rằng xứ Chàm bị chia cắt thành một số các địa phương tự nhiên tương ứng với các đồng bằng ven biển. Tỉnh Quảng Nam ngày nay, với các địa điểm khảo cổ tại Trà Kiệu, Mĩ Sơn, Đông Dương, trong một ý nghĩa nào đó là thánh địa của nước Chàm (58). Pho tượng đức Phật bằng đồng đẹp đẽ tìm thấy ở Đông Dương là bằng chứng cho tính chất cổ xưa của sự xâm nhập của Ấn Độ trong vùng mang tên -- liệu có phải hòan tòan tình cờ hay không (?) – Amaravati. Phía nam của Amaravati, các trung tâm chính yếu được đề cập trong văn bia là Vijaya (Phật Thệ?) tại tỉnh Bình Định ngày nay, Kauthara tại đồng bằng Nha Trang, và Panduranga trong vùng Phan Rang. Những bia ký cho thấy rằng trong thế kỷ thứ tám tiếng Chàm được nói tại các tỉnh phía nam. Nhưng nguyên thủy các tỉnh phía nam này là một phần của vương quốc Phù Nam. Điều này đã được chứng minh bởi sự hiện diện, trong vùng Nha Trang, văn bia thuộc thế kỷ thứ ba phát sinh từ một vị vua của Phù Nam -- một hậu duệ của Sri Mara (tức Fan Shih-man) có lẽ không ai khác hơn Fan Chan.
Chúng ta không có bằng chứng cổ xưa, tương tự như các bằng chứng về Phù Nam, về sự Ấn Độ hóa của người Chàm và truyền thống xây dựng triều đại của các vị vua của họ; các văn bản Trung Hoa không nói gì về hai điểm này, và im tiếng cho mãi đến khi có một văn bia thuộc thế kỷ thứ chín mới thấy xuất hiện lần đầu tiên tên của Maharshi Bhrigu, nhân vật của dòng tộc Mahabharata, danh tính tổ tiên của triều đại Bhargavas, triều đại mà các vua Chàm tuyên nhận mình là các hậu duệ. Về chính danh xưng Champa, từ đó rút ra danh từ Chàm, mặc dù không xuất hiện trong văn bia cho mãi đến lúc khởi đầu thế kỷ thứ bẩy, có thể nó đã có từ rất lâu.
Những hậu duệ của Ch’u-lien lợi dụng sự tan rã của Trung Hoa vào lúc có sự sụp đổ của nhà Hán để bành trướng về phương bắc. Từ năm 220 đến năm 230, một nhà vua trong họ đã gửi một sứ đòan sang gặp Lu Tai, tổng đốc Quảng Đông và Chiao-chih [Giao Chỉ ?, chú của người dịch] (Đông Kinh) [tức bắc Việt Nam, chú của người dịch], với danh nghĩa thuộc xứ Lâm Ấp, cùng với sứ đòan của Phù Nam, đã xuất hiện lần đầu tiên trong một văn bản Trung Hoa. Lu Tai, theo Sử Ký Thời Tam Quốc (History of the Three Kingdoms), đã gửi những sứ giả để truyền bá văn minh Trung Hoa vượt qúa các biên giới phía nam. Các vua xứ Phù Nam, Lâm Ấp, và T’ang-ming (?) mỗi vua đều gửi một sứ đòan để dâng đồ tiến cống. (59). Việc này chỉ hòan tòan có tính cách hình thức bởi trong năm 248 các đòan quân của Lâm Ấp nổi lên cướp bóc các làng xã và chiếm giữ luôn sau cuộc đột kích, tiếp theo sau một cuộc giao chiến lớn tại vùng vịnh phía nam mũi Ròn, lãnh thổ của Ch’u-su, tức vùng Ba Đồn [(?), chú của người dịch] trên sông Gianh (60) . Sau hết nhà vua Fan Hsiung, cháu trai của Ch’u-lien bên phía họ ngọai (61), đã tái diễn các cuộc tấn công này vào khỏang năm 270, được nói có được trợ giúp bởi vua nước Phù Nam, Fan Hsun. Thái thú tại Đông Kinh [bắc Việt Nam ngày nay, chú của người dịch], tên T’ao Huang, đã mất mười năm để đẩy lui dân Lâm Ấp trở về lại bên trong biên cương của họ. Từ lúc khởi đầu, các nỗ lực của họ để bành trướng về phía bắc đã đụng độ với lực đẩy xuống của người Việt Nam để nam tiến. Các trận chiến đánh nhau bởi hai sắc dân đại biểu cho hai nền văn minh cạnh tranh nhau -- giữa người Chàm chịu ảnh hưởng Ấn Độ và người Việt chịu ảnh hưởng Trung Hoa -- được phát động tại vùng từ Hòanh Sơn đến đèo Hải Vân; đưa đến sự triệt thóai chung cuộc của người Chàm trong thế kỷ thứ mười bốn.
Trong năm 284, Fan Yi đã phái một sứ đòan chính thức đầu tiên sang Trung Hoa -- nếu chúng ta không kể đến một sứ đòan đã được gửi đến thái thú Giao Chỉ giữa khỏang từ năm 220 đến năm 230. Trong hậu bán của thời khoảng trị vì kéo dài hơn 50 năm, Fan Yi có tuyển dụng một nhân vật tên Wen nào đó làm cố vấn. Nhân vật Wen được xác định trong nhiều văn bản là một người Trung Hoa, quê quán tại Yang-chou, Chiang-su [Dương Châu, tỉnh Giang Tô (?), chú của người dịch], đã đến định cư tại Lâm Ấp, nhưng ông ta có thể là một người dân bản xứ đã Hán hóa (62) . Ông ta đã đi sang Trung Hoa trong các năm 313 và 316, và học hỏi tại đó nhiều kỹ thuật khác nhau; kiến thức về nền văn minh vật chất của Trung Hoa của ông ta đã có một gía trị vĩ đại đối với quốc vưong chủ nhân ông. Nhờ dành được sự tin cậy của vị vua già, ông đã vận động để được bổ nhiệm là viên đại tướng tư lệnh và sau đó đã gạt bỏ các người thừa kế ngai vàng sang một bên. Khi có sự từ trần của Fan Yi, xảy ra một cách bất ngờ trong năm 336, ông ta lên ngôi kế vị Fan Yi.
Fan Wen, đặt thủ đô tại vùng thuộc Huế, đã bình định các bộ lạc man rợ và trong năm 340 đã gửi một sứ đòan sang yết kiến vua Tần để thỉnh cầu rằng biên cương phía bắc của vương quốc ông ta được ấn định tại núi Hòanh Sơn. Khi hòang đế [nhà Tần, chú của người dịch] ngần ngại từ bỏ những phần đất phì nhiêu của Nhật Nam cho ông ta, Fan Wen đã chiếm giữ các phần đất này vào năm 347, bởi thế đã đem lại cho vương quốc của mình biên cương mà ông ta mong muốn. Fan Wen đã mất năm 349 trong một cuộc viễn chinh khác hướng về phía bắc ngòai biên cương mới của ông ta./-
Chú của người dịch:
(*a) Sanskrit : Phạn: ngôn ngữ văn chương của Ấn Độ từ thời cổ. Phần lớn các kinh tạng Phật Giáo được Trung Hoa dịch sang Hán ngữ đều có nguyên bản viết bằng tiếng Phạn.
(*b): Ptolemy (vào khỏang 85 – 165 sau dương lịch): Nhà thiên văn học và địa lý học gốc Hy Lạp và chết tại Alexandria, Ai Cập, từ thế kỷ thứ nhì, chủ truơng rằng trái đất đứng yên một chỗ và là trung tâm của vũ trụ, trong khi đó mặt trời và các vì sao chạy quanh trái đất. Danh biểu địa dư của Ptolemy cho vùng xuyên sông Ganges của Ấn Độ ghi đầy những địa danh mà các danh xưng tương ứng bằng tiếng Phạn (Sanskrit) được trích dẫn và thảo luận trong công trình nghiên cứu này của tác giả G. Coedès. Trong bài dịch này, có đề cập đến giả thuyết rằng Sàigòn ngày nay tương ứng với địa danh Kattigara mà Ptolemy đã ghi trong danh biểu địa dư của ông ta. Nếu đúng như vậy thì đây có thể là văn bản cổ xưa nhất của tây phương đã đề cập đến phần lãnh thổ của Việt Nam ngày nay.
(*c): Niddesa: Nghĩa thích kinh, gồm 2 tập: Đại Nghĩa Thích và Tiểu Nghĩa Thích, dùng để luận giải kinh tạng Phật Giáo, được viết bằng tiếng Pali, muộn lắm là vào thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Thiên Chúa. Bộ Nghĩa Thích Kinh này có liệt kê một số địa danh mà các nhà nghiên cứu đã nêu nhận xét là có thể dùng để xác minh đựoc nhiều vị trí của các miền xa hơn Ấn Độ. Có thể nói cho đến nay, chưa có những tài liệu khảo cổ hay văn bia nào lâu đời hơn tập Nghĩa Thích Kinh này.
(*d) Pāli: Ba lị, một thổ ngữ của Ấn Độ cổ xưa, nay không còn được nói nữa mà chỉ được dùng để viết kinh tạng Phật Giáo, chính yếu là các kinh tạng của Phật Giáo Tiểu Thừa ( Theravada (Hinayana) Buddhist Canon).
----------------------------------
Chú Thích của Tác Giả G. Coedès:
1. Xem bên trên, trang 16. Bởi tác phẩm này không phải là một tập chuyên khảo về địa dư mà lại là một nỗ lực để tổng hợp lịch sử, tôi sẽ chỉ đề cập trong chương này và những chương kế tiếp những danh xưng có một số ý nghĩa quan trọng trong lịch sử các biến cố hay triều đại. Một sự thảo luận nhiều ý kiến khác nhau đề cập đến vị trí của các địa danh của Ptolemy có thể tìm thấy trong bài viết của Roland Braddell nhan đề “Study of Ancient Times in the Malay Peninsula,” JRASMB (Journal of the Malayan Branch of the Royal Asiatic Society), XIII (1935).
2. Đây là lối phát âm thời nhà Đường (T’ang), theo Bernhard Karlgren, Analytic Dictionary of Chinese and Sino-Japanese (n.p., n.d. [không ghi nơi và nhật kỳ xuất bản ?, chú của người dịch] ), các số 41 và 650.
3. Xem Louis Finot, “Sur quelques traditions indochinoises,” Mélanges d’indianisme offerts par ses élèves à M. Sylvain Lévi (Paris, 1911), trang 203, và “Séance du 14 Janvier 1927,” JA (Journal Asiatique) (January-March, 1927), trang 186. Coedès, “On the Origin of the Sailendras of Indonesia,” JGIS (Journal of the Greater India Society), I (1934), trang 67. Ngọn núi này hiển nhiên là một trong các ngọn núi mà trên đó, như đã nói trước đây (các trang 26-27), người sáng lập một vương quốc theo kiểu Ấn Độ đã thiết định sự thờ phượng một vị thần dân tộc, thường là một dương vật (linga) hay một biểu hiệu nào khác của thần Siva.
4. Xem Coedès, “Les traditions généalogiques des premiers rois d’Angkor,” BEFEO (Bulletin de l’École Francaise d’Extrême-Orient), số XXVIII (1956), trang 127.
5. Xem Coedès, Inscriptions du Cambodge (Paris, 1937-), II, trang 110, n. 5. Có lẽ từ Vyadhapura có nghĩa “thành phố của ngườI đi săn (nhà vua).” O.W. Wolters, trong thực tế, đã tử tế thông tin (thư ngày 6 tháng MườI Một, 1960) cho tôi hay rằng T’ai-ping Yu-lan, trích dẫn bản tường trình của K’ang T’ai (xem dưới), có đề cập đến một vị vua của Phù Nam tên là P’an-huang-chao (cũng chính là ? Hun P’an-huang, xem dưới, trang 38) đã bắt được các con voi lớn trong rừng và đã thuần hóa được chúng, đưa đến sự thần phục của nhiều xứ sở trong đường hướng này.
6. Xem Paul Pelliot, “Le Fou-nan,” BEFEO, III, trang 263.
7. Xem chú thích trên, trang 17. Xem Pierre Courou, “Civilisations et géographie humaine en Asia des moussons,” BEFEO, XLIV (1954), trang 469, sau khi trình bày rằng “các địa điểm khai sinh của các nền văn minh thượng đẳng có vẻ như tương ứng với các giao lộ của sự lưu thông,” có bổ túc: “Hạt nhân của nền văn minh của Phù Nam, từ đó tòan thể lịch sử Khmer đã được phát triển, bắt nguồn từ bờ biển phía tây của Đông Dương (Indochina), tại địa điểm đổ bộ của các ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ.”
8. Xem Pelliot, “Le Fou-nan,” trang 303; “Quelques textes chinois concernant d’Indochine hindouisée,” Et . Asiat, EFEO (Études asiatiques. Publications de l’École Francaise d’Extrême-Orient (Paris, 1925), 2 vols.), II, trang 243.
9. Xem Pelliot, “Quelques textes,” các trang 246-49. Về vai trò ưu thắng của dòng tộc Kaundinya tại miền nam Ấn Độ, xem Bijan R. Chatterjee, “Recent Advances in Kambuja Studies,” JGIS, VI (1939), trang 139, và chú thích dẫn trên, trang 30.
10. Xem Louis Finot, “Les inscriptions de Mi-sơn (No. III),” BEFEO, IV, trang 923. Xem Coedès, “L’inscription de Baksei Chamkrong,” JA (May-June, 1909), các trang 476-78, và Inscriptions du Cambodge, IV, trang 88.
11. Xem Eveline Porée-Maspero, “Nouvelles étude sur la Nagi Soma, “ JA, CCXXXVIII (1950), các trang 237-67.
12. Xem Paul Pelliot, dịch và biên tập, “Mémoires sur les coutumes du Cambodge,” BEFEO, II, trang 145.
13. Xem Finot, “Sur quelques traditions indochinoises,” trang 205.
14. Xem Coedès, “La légende de la Nagi,” BEFEO, XI, trang 391.
15. Xem Victor Goloubew (“Les légendes de la Nagi et de l’Apsaras,” BEFEO, XXIV, các trang 501-10) cho rằng nó đến từ phương tây, trong khi Jean Przyluski (“La princesse à l’odeur de poisson et la Nagi dans les tradition de l’Asie orientale,” Et . Asiat . EFEO, II, các trang 265-84) nghĩ rằng nó đã được phát sinh từ các khu vực hàng hải của Đông Nam Á. Về một phiên bản Mã Lai của thần thọai này, xem R. Ọ Winstedt, “Indra and Saktimuna,” JRASMB, XXIII (1950), trang 151.
16. Xem Pelliot, “Le Fou-nan,” trang 265. Theo R. Stein, “Le Lin-yi,” Han-hiue, II (1947), các trang 251 trở đi, từ “Fan” là tiếp đầu ngữ (prefix) đứng trước danh tính của phần lớn các vị vua của Phù Nam cũng như của Champa không tương đương với tếp vĩ ngữ varman đi theo sau để tạo thành một họ, như đã được tin tưỏng bởi Georges Maspero, Le Royaume de Champa (Paris, 1928), trang 53, n. 7 [chú thích 7 ?], và Gabriel Ferrand, “Ye-tiao, Sseu-tiao et Java,” JA (Novermber-December, 1916), các trang 524-30. Stein tin rằng đó là họ của một thị tộc, có nguồn gốc chủng tộc, để chỉ phần tử chính gốc của hòang gia. Nhân vật mang danh tính Fan, như tại xứ Chàm, ngược lại với các thành phần Ấn Độ và có vẻ được lưu giữ nắm quyền hành bởi quần chúng. Nhưng Paul Demíeville (điểm sách “Lin-yi” của Stein, TP (T’oung Pao), XL (1951), trang 344) đã bày tỏ các sự nghi ngờ đối với sự vững chắc của các nền tảng của giả thuyết này.
17. Xem Pelliot, “Le Fou-nan,”, trang 257.
18. Cùng sách dẫn trên, các trang 265-66. Một li (lí) tương đương với khỏang 576 mét. Về việc đọc là “Ch’u-tu, Tu-k’un” thay vì đọc “Ch’u-tu-k’un” (Pelliot), xem Stein, “Le Lin-yi,”
19. “Le Lin-yi,” trang 119. Nhưng Demíeville điểm sách “Lin-yi,” của Stein, trang 341, phản bác sự xác minh này.
20. Ngay từ năm 1938, Kattigara đã được chấm định nằm trong vùng Sàigòn bởi Albert Herrmann, “Der Magnus Sinus und Cattigarab nach Ptolemaus,” Compte-rendu du Congrès international de géographie (Amsterdam), các trang 123-28. Cuộc nghiên cứu gần đây nhất là của Louis Malleret, là người, tiếp theo sau các sự khám phá của ông tại Óc Eo (xem trên, trang 17), đã được dẫn dắt để đi tìm địa điểm của Kattigara trong vùng này. Quan điểm của ông đã được trình bày chi tiết trong tác phẩm L’Archéologie du delta du Mékong (Paris, 1959-63), III, các trang 421-54.
21. Về vấn đề có khá nhiều liên hệ này, và về vị trí của Chiu-chih hay Chu-li, xem Paul Wheatley, The Golden Khersonese, các trang 21-25.
22. Xem Pelliot, “Le Fou-nan,” trang 279.
23. Sách dẫn trên, trang 263, n. 1, Wheatley, The Golden Khersonese, các trang 15-21.
24. Xem Pelliot, “Le Fou-nan,” trang 266, n. 2 and 3. Gordon H. Luce, “Countries Neighbouring Burma,” JBRS (Journal of the Burma Research Society), XIV (1924), các trang 147-151.
25. Xem Paul Pelliot, “Deux itinéraires de Chine en Inde, à la fin du VIIIe siècle,” BEFEO, IV, trang 320, n. 7. Gabriel Ferrand, “Malaka, le Malayu et Malayur,” App . [Phụ Lục?, chú của ngườI dịch] III, JA (July-August, 1918), trang 139. Luce, “Countries Neighbouring Burma,” các trang 161-69.
26. Xem Ferrand, “Malakas”, trang 143. Xem Sylvain Lévi, “Pré-aryen et pré-dravidien dans l’Inde,” JA (July-September, 1923), trang 37.
27. Xem R. Ọ Winstedt, “A History of Malaya,” JRASMB, XIII (1935), trang 21.
28. Xem Wheatley, The Golden Khersonese, các trang 252-67, thảo luận chi tiết về vị trí của Langkasuka.
29. Xem Coedès, “Le Royaume de Crivijaya,” BEFEO, XVIII, 6, trang 17. Lévi, “Pré-aryen,” trang 45.
30. Xem Coedès, Receuil des inscriptions du Siam (Bangkok, 1924-29), II, trang 51, nọ XXVII. Nhật kỳ từ thế kỷ thứ bảy đến thế kỷ thứ chín như được phát biểu bởi Barth là quá sớm. Bia ký tương tự như thế là những văn bia cuối cùng của Phù Nam. Xem K. A . Nilakanta nSastri, “Agastya,” TBG (Tijdschrift voor Indische Taal-, Land-, en Voikenkunde uitgegeven door het Bataviaasch Genootschap van Kunsten en Wetenschappen), LXXXVI (1936), các trang 508-09. Về Tambralinga, xem O . W. Wolters, “Tambralinga,” BSOAS (Bulletin of the School of Oriental and African Studies) (1958), các trang 587-607.
31. Xem Sylvain Lévi, “Ptolémée, le Niddesa et la Brihatkatha,” Et . Asiat . EFEO, II, trang 26.
32. Cùng sách dẫn trên, từ trang 3 trở đi.
33. Xem Roland Braddell, “Ancient Times in the Malay Peninsula,” JRASMB, XVII (1939), I, các trang 204-206, và XXII (1949), trang 1. Wheatley, The Golden Khersonese, các trang 268-72, có cung cấp các luận cứ vững chắc về việc xác định vị trí của Takkola trong vùng Trang [có lẽ là (?) Nha Trang, chú của người dịch].
34. Transactions and Papers of the Institute of British Geographers, 21 (1955), trang 69. Về điểm này xin xem Wang Gungwu, “TheNanhai Trade: A Study of the Early History of Chinese Trade in the South China Sea,” JRASMB, XXXI, 2 (1958), trang 41, n. 53.
35. Về các địa điểm này, xem Braddell, “Ancient Times,” rải rác trong tác phẩm. H.G. Quaritch Wales, “Archaeological Researches on Ancient Indian Colonization in Malaya,” JRASMB, XVIII (1940), I, các trang 56-73; “Further Work on Indian Sites in Malaya,” JRASMB, XX (1947), các trang 1-11, R.O . Winstedt, “Slab-Graves and Iron Implements,” JRASMB, XIX, (2941) I, các trang 93-98.
36. Thí dụ, các tượng đồng theo kiểu Gupta được mô tả trong quốc gia Perak và trên dòng sông Bujiang tại Kedah (H.G. Quaritch Wales, “Recent Malayan Excavations and Some Wider Implications,” JRAS (1946), trang 142). Các khám phá khảo cổ học này được phân tích bởi Wheatley, The Golden Khersonese, các trang từ trang 273 trở đi.
37. Về các nguồn văn bản Ấn Độ khác, xem Vasudeva S. Agrawala, “Some References to Katahadvipa in Ancient Indian Literature,” JGIS, XI (1944), trang 96, và K.A . Nilakanta Sastri, History of Srivijaya (Madras, 1949), các trang 25-26.
38. Về thời điểm của văn bia này, xem D.C. Sircar, “Date of the Earliest Sanskrit Inscription of Campsa,” JGIS, VI (1939) các trang 53-55. Coedès, “La date de l’inscription sanskrite de Vo-canh,” IHQ (Indian History Quarterly), XVII (1941), các trang 107-10. Emile Gaspardone, “La plus ancienne inscription d’Indochine,” JA, CCXLI (1953), các trang 477-85. K. Kumar Sarkar, “The Earliest Inscription of Indochina,” Sino-Indian Studies, V, 2 (1956), các trang 77-78. Kamalesvar Bhattacharya, “Précisions sur la paléographie de l’inscription dite de Vo-canh,” AA (Artibus Asiae) XXIV (1961), các trang 219-24. Ẹ Gaspardone, “L’inscription de Vo-canh et les débuts du sanskrit en Indochine,” Sinologica, VIII, No. 3 (1965), các trang 129-36.
39. Auguste Barth and Abel Bergaigne, ISC, No. XX, p. 191. Louis Finot, “Les inscriptions du musée de Hanoi,” BEFEO, XV, 2, trang 3.
40. “Séance du 14 Janvier 1927.” JA (January-March, 1927), trang 186. Xem Louis Finot, điểm sách Le Royaume de Champa của Maspero, BEFEO, XXVIII, các trang 286-87.
41. Jean Filliozat đã ân cần thông tin tôi hay rằng Maran “là danh hiệu thường dùng để chỉ vua Pandya, được hỗ trợ bởi một trong những bản văn bằng tiếng Tamil cổ xưa nhất tại vùng Sangam, có nhật kỳ vào khỏang khởi đầu kỷ nguyên Thiên Chúa.”
42. Lévi, “Ptolémée,” các trang từ trang 29 trở đi. Luce, “Countries Neighbouring Burma,” các trang 151-58.
43. Pelliot, “Le Fou-nan,” trang 303.
44. Les Peuples de la péninsule indochinoise (Paris, 1962), trang 62.
45. Wang Gungwu, “The Nan-hai Trade,” các trang 31-45.
46. “Le Fou-nan,” trang 292.
47. Xem trên, trang 39.
48. Pelliot, “Le Fou-nan,” trang 303.
49. Sách dẫn trên, trang 40. Xem Robert von Heine-Geldern, “The Drum Named Makalamau,” India Antiqua (Leyden, 1947), trang 176.
50. Pelliot, “Le Fou-nan,” trang 252.
51. Cùng sách dẫn trên, trang 254.
52. Cùng sách dẫn trên, trang 255.
53. Cho tòan thể đọan này, ngòai những nguồn tư liệu đã được chỉ dẫn ở nơi khác, xem Maspero, Le Royaume de Champa, các trang 43-59 (điểm sách bởi L. Aurousseau, BEFEO, XIV, 9, các trang 8-43, và Louis Finot, BEFEO, XXVIII, các trang 285-92). Stein, “Le Lin-yi,” các trang 1-123.
54. Aurousseau, điểm sách Le Royaume de Champa của Maspero, trang 27.
55. Stein, “Le Lin-yi,” các trang 209-41. Nhưng Demíeville, điểm sách “Lin-yi” của Stein, có vẻ nghiêng về cách giải thích thứ nhất.
56. Cho đến nay chúng ta luôn luôn hiểu rằng họ đến từ phương nam, có nghĩa, từ tỉnh Quảng Nam ngày nay. Nhưng Stein (“Le Lin-yi”) có vạch ra rằng họ cũng có thể đến từ phía tây, và ngay cả từ những vùng thuộc Siang-lin, cách xa khỏi sự đô hộ của Trung Hoa. Sự kết tụ những dân man rợ tại một vương quốc Lâm Ấp đã xảy ra bên trong giới hạn của quận Nhật Nam.
57. Về sắc dân Ch’u, xem Stein, “Le Lin-yi,” Appendix VI, từ trang 209 trở đi.
58. Henri Parmentier, Inventaire descriptif des monuments cams de l’Annam (Paris, 1909-18), I, các trang 241-5-5. Jean Y. Claeys, “Introduction à l’étude de l’Annam et du Champa,” Bulletin des Amis du Vieux Hue, 21, (1934), các trang 46-48.
59. Pelliot, “Le Fou-nan,” trang 252.
60. Stein, “Le Lin-yi,” các trang 1-54.
61. Có lẽ xuyên qua những người vợ sinh ra là người Phù Nam mà theo Stein, “Le Lin-yi,” sẽ giải thích họ của thị tộc ông ấy là Fan, về điểm này, xem sách dẫn trên, trang 276, n. 16. Eveline Porée-Maspero ghi nhận rằng các vị vua họ Fan xuất hiện tại xứ Chàm vào lúc khi mà họ đã biến mất khỏi Phù Nam sau thời trị vì của Fan Hsun. Về các “sự kiện lịch sử song hành giữa Căm Bốt và Chàm” mà bà ấy đã xác định từ thời kỳ này, xem Études sur les rites agraires des Cambodgiens (Paris, 1962), từ trang 144 trở đi.
62. Stein, “Le Lin-yi,” trang 243.
Nguồn: G. Coedès, The Indianized States of Southeast Asia, An East-West Center Book, The University Press of Hawaii, Honolulu, 1968
www.gio-o.com