Thursday, August 28, 2014

41. CHIẾN TRANH TRÊN GA-DA: BAO GIỜ MỚI ĐẾN HỒI KẾT?

Chiến tranh trên Ga-da: Bao giờ mới đến hồi kết?
23:32' 12/8/2014
TCCSĐT - Trong gần bốn tuần diễn ra giao tranh giữa I-xra-en và Ha-mát, hơn 1.800 người đã thiệt mạng, trong đó phần lớn là dân thường và trẻ em. Việc này đã dấy lên những quan ngại và phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế, đòi hỏi cần có biện pháp cấp bách, sớm chấm dứt xung đột tại đây.

Điểm nóng xung đột chưa bao giờ “nguội”…
 
Trong gần bốn tuần xung đột, hàng trăm cuộc không kích và bắn tên lửa đã diễn ra giữa I-xra-en và Ha-mát. Ảnh: AFP/Getty Images 
Dải Ga-za, dải đất hẹp ven biển dọc theo Địa Trung Hải, ở Trung Đông, là điểm nóng tái diễn xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin trong nhiều năm qua. I-xra-en chiếm đóng Dải Ga-da trong chiến tranh Trung Đông năm 1967 và chỉ mới rút quân và người định cư khỏi đây vào năm 2005. I-xra-en coi đây là sự chấm dứt chiếm đóng nhưng nước này trên thực tế vẫn kiểm soát hầu hết khu vực biên giới, nguồn nước và không phận của Dải Ga-da trong khi đó Ai Cập kiểm soát phần biên giới phía Nam.
I-xra-en áp đặt những quy định chặt chẽ về việc vận chuyển hàng hóa và di chuyển của người dân ra vào Dải Ga-da với lý do các biện pháp này là thiết yếu để bảo đảm an ninh cho I-xra-en. Tuy nhiên, người Pa-le-xtin ở khu vực này lại cảm thấy bị kìm hãm và đang phải chịu đựng những khó khăn về kinh tế - xã hội. Phong trào Hồi giáo Ha-mát và một số tổ chức khác của Pa-le-xtin cho rằng những áp đặt của I-xra-en là quá sức chịu đựng.
Trong Hiến chương thành lập, Ha-mát tuyên thệ sẽ phá hủy I-xra-en bằng mọi giá nhưng trong những năm gần đây, lực lượng này lại nói đến việc sẽ cân nhắc một hiệp định ngừng bắn lâu dài với I-xra-en. Ha-mát viện dẫn việc I-xra-en tiếp tục chiếm đóng Bờ Tây và Đông Giê-ru-xa-lem là nguyên nhân dẫn đến những cuộc tấn công của lực lượng này vào Nhà nước Do Thái trước và sau năm 2005. Đây cũng là hành động tự vệ của Ha-mát trước những đợt không kích và tấn công bất ngờ của quân đội I-xra-en.
Đổ lỗi cho Ha-mát vì đã bắt cóc và giết hại ba thiếu niên I-xra-en vào tháng 6 vừa qua, I-xra-en đã liên tục đàn áp lực lượng này trên Bờ Tây bằng những vụ bắn tên lửa và không kích dồn dập. Trong khi đó, Ha-mát phủ nhận cáo buộc trên. Căng thẳng giữa hai bên càng được đẩy lên cao trào khi một thiếu niên Pa-le-xtin bị giết hại vào ngày 02-7 dẫn đến sáu nghi phạm bị bắt giữ.
Ngày 07-7, Ha-mát nhận trách nhiệm việc bắn tên lửa lần đầu tiên trong vòng 20 tháng qua sau khi I-xra-en tiến hành các đợt không kích dẫn đến một số thành viên của lực lượng này bị thiệt mạng. Ngay hôm sau, I-xra-en phát động chiến dịch Vành đai bảo vệ với mục đích ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa và phá hủy khả năng tấn công của Ha-mát.
Kể từ đó, hàng trăm cuộc không kích và bắn tên lửa đã diễn ra giữa hai bên. Các nhà phân tích cho rằng Ha-mát ngày càng bị cô lập trên Ga-da sau khi mất đi sự ủng hộ của cựu đồng minh thân cận Xy-ri và nhận được ít hơn sự hậu thuẫn của I-ran cũng như phải chứng kiến chính quyền Ai Cập phá hủy các đường hầm nối liền bán đảo Xi-nai với Pa-le-xtin sau khi lật đổ Tổng thống Mô-ha-mét Mơ-xi. Ông M. Mơ-xi là thành viên Huynh đệ Hồi giáo - xuất xứ của phong trào Ha-mát. Ai Cập lên án Ha-mát đứng sau các vụ tấn công liên tiếp xảy ra tại nước này từ sau vụ đảo chính, nhưng Ha-mát cực lực phản đối. Các nhà phân tích cho rằng tấn công I-xra-en là một cách để Ha-mát khuếch trương thanh thế và giành được sự nhượng bộ của I-xra-en trong bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào.
Theo số liệu của Bộ Y tế Pa-le-xtin, OCHA, IDF, tính đến nay, đã có 4.760 vụ không kích trên Ga-da, 3.356 quả tên lửa được bắn vào lãnh thổ I-xra-en, làm cho 1.875 người Pa-le-xtin, trong đó ước tính 85% là dân thường và 64 binh lính I-xra-en thiệt mạng. Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút Áp-bát (Mahmoud Abbas) cáo buộc I-xra-en tội “diệt chủng” trong khi các tổ chức nhân đạo cảnh báo các đợt không kích vào các khu đông dân cư hoặc tấn công trực tiếp vào nhà dân là vi phạm luật pháp quốc tế.
Phản bác lại những lời buộc tội trên, I-xra-en cho rằng những ngôi nhà mà nước này đánh bom thuộc về các chiến binh cấp cao của Ha-mát và phục vụ như những trung tâm chỉ huy của lực lượng này. I-xra-en khẳng định, Ha-mát cố tình bắn tên lửa từ khu dân cư và cất giữ tên lửa tại những nơi như nhà ở, trường học và bệnh viện.
I-xra-en cũng cho rằng hàng trăm tên lửa không điều khiển đã được bắn trực tiếp vào lãnh thổ của mình đe dọa đến sinh mạng của người dân nước này. Tên lửa tầm xa đã được bắn vào các nơi tập trung dân cư như Ten A-víp và Giê-ru-xa-lem cũng như khu vực phía Bắc I-xra-en.
Trước đó, tháng 12-2008, I-xra-en đã phát động một cuộc tấn công trên bộ mang tên chiến dịch Chì đúc nhằm đáp trả lại hành động bắn tên lửa từ Ga-da. Chiến dịch này chỉ kết thúc khi I-xra-en tuyên bố lệnh ngừng bắn đơn phương trong 22 ngày sau đó, với lý do mục tiêu đề ra đã đạt được hơn cả kỳ vọng.
Khoảng 1.300 người Pa-le-xtin đã thiệt mạng và chiếm đa phần cũng là dân thường. Mười ba người I-xra-en bị chết, trong đó có 4 binh lính. Kết cấu hạ tầng dân sự của Ga-da thiệt hại nghiêm trọng.
Bốn năm sau, I-xra-en lại phát động chiến dịch Trụ cột phòng vệ, với mục tiêu là làm cho Ha-mát ngừng bắn tên lửa và phá hoại khả năng tấn công của Ha-mát. Tám ngày sau, Ai Cập đóng vai trò trung gian đã giúp hai bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhưng ít nhất 167 người Pa-le-xtin và sáu người I-xra-en đã thiệt mạng.
Dù đã có nhiều nỗ lực hàn gắn
 
 Ha-mát muốn dỡ bỏ những phong tỏa trên Ga-da còn I-xra-en tuyên bố sẽ tiếp tục phá hủy các đường hầm. Ảnh: bbc.com
Dù cộng đồng quốc tế đã rất nỗ lực để giúp cả I-xra-en và Ha-mát đạt được thỏa thuận ngừng bắn, trong đó có việc ngừng bắn vì lý do nhân đạo nhưng trong ba tuần đầu kết quả đạt được vô cùng khiêm tốn.
Thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên do Ai Cập đệ trình sau một tuần diễn ra xung đột trở lại giữa I-xra-en và Ha-mát. I-xra-en chấp nhận nhưng Ha-mát cuối cùng lại bác bỏ vì coi đó như một sự “đầu hàng”. I-xra-en cho biết, nước này chấp nhận những lệnh ngừng bắn liên tiếp nhưng vẫn tiếp tục tấn công để đáp trả những đợt oanh tạc tên lửa của Ha-mát. I-xra-en tuyên bố ngay cả khi chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn thì nước này vẫn sẽ tìm kiếm và phá hủy những đường hầm mà Ha-mát đã xây dựng để thâm nhập và phá hoại I-xra-en.
Về phía Ha-mát, lực lượng này cho biết, sẽ đồng ý một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài miễn là có thể dẫn đến việc I-xra-en dỡ bỏ những cấm vận trên Dải Ga-da - điều kiện mà I-xra-en hoàn toàn không nhất trí. Xung đột vẫn chưa đi đến hồi kết bởi một phần Ha-mát không còn sự hậu thuẫn của Ai Cập vì giờ đây Ai Cập coi người Hồi giáo như một mối đe dọa. Đến nay, Mỹ vẫn không có mối liên hệ chính thức nào với Ha-mát, thậm chí còn liệt tổ chức này vào thành phần khủng bố. Trong khi đó, Ca-ta và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nhà tài trợ lớn của Ha-mát - cũng tham gia các phiên thảo luận về hiệp định ngừng bắn - trong mắt I-xra-en lại không phải là những đối tác đáng tin cậy.
So với cuộc xung đột cũng giữa I-xra-en - Pa-le-xtin năm 2008 - 2009 và năm 2012, xung đột hiện nay đã kéo dài hơn nhiều ngày và khó mà nói trước được thời điểm nó khép lại.
Khi cuộc giao tranh giữa I-xra-en và Ha-mát diễn ra được ba tuần, Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu (Benjamin Netanyahu) cảnh báo rằng người I-xra-en đã sẵn sàng cho một “cuộc chiến trường kỳ”. Theo đó, I-xra-en sẽ vẫn tiến hành Vành đai bảo vệ cho đến khi khôi phục được sự yên bình và an toàn cho người I-xra-en. I-xra-en tuyên bố mục đích chính trong cuộc xung đột này làm cho Ha-mát ngừng bắn tên lửa “một lần và mãi mãi”. Ngoài ra, nước này cũng nhắm đến phá hủy hệ thống đường hầm chạy giữa Ga-da và I-xra-en và đi đến kết quả cuối cùng là phi quân sự hóa lãnh thổ.
Về phần mình, người Pa-le-xtin tuyên bố sẽ không chấp nhận sự hiện diện của bất kỳ quân nhân I-xra-en nào trên Ga-da, ám chỉ rằng tình thế tấn công và phản tấn công giữa hai bên vẫn có thể sẽ tiếp diễn. Các thủ lĩnh của Ha-mát khẳng định họ sẽ không dừng cuộc chiến cho đến khi nào chấm dứt được sự phong tỏa của I-xra-en trên Ga-da. Tuy nhiên, tổ chức vũ trang này sẽ chấp nhận lệnh ngừng bắn nếu: I-xra-en chấm dứt “mọi hành động hung hăng” trên Bờ Tây, Giê-ru-xa-lem và Ga-da; tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn năm 2012; chấm dứt làm suy yếu chính phủ thống nhất Pa-le-xtin mới thiết lập; thả những tù nhân Pa-le-xtin đã được trao trả để đổi lấy tự do của trung sĩ Gi-lát Sa-lít (Gilad Shalit) năm 2011 nhưng mới bị bắt lại gần đây.
Mỹ nên đứng sang một bên
 
 Chừng nào chiến sự trên Ga-da chưa kết thúc, trẻ em vẫn là những nạn nhân đáng thương. Ảnh: bbc.com
Trước những diễn biến có chiều hướng ngày càng phức tạp trên Dải Ga-da, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng Liên hợp quốc nên đóng vai trò trung gian hòa giải giữa I-xra-en và Pa-le-xtin giống như đã từng làm trong quá khứ, còn Mỹ nên đứng sang một bên để các cơ chế quốc tế hoạt động theo đúng chức năng mà không có bất kỳ ngáng trở nào.
Theo New York Times, từ năm 1949 đến năm 2008, Mỹ đã viện trợ cho I-xra-en 103,6 tỷ USD, còn nhiều hơn cả viện trợ nước ngoài Mỹ dành cho vùng cận Xa-ha-ra và Mỹ La-tinh cộng lại. Việc Mỹ ngừng viện trợ quân sự cho I-xra-en có thể dẫn đến hai khả năng, cả tích cực và tiêu cực: Về mặt tích cực, ngừng viện trợ quân sự có thể kìm hãm sự hung hăng của I-xra-en, do đó các bên có thể đi đến một giải pháp chính trị cho xung đột hiện nay trên Ga-da song cũng có thể thúc đẩy I-xra-en có những động thái hung hăng hơn nữa.
Vì thế, theo các nhà phân tích, ngoài việc tuân thủ luật pháp của chính mình, Mỹ nên đứng sang một bên để các cơ chế quốc tế được thực thi. Mỹ đã và đang làm cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trở nên “bất lực” bởi sử dụng quyền phủ quyết của mình đến 40 lần (trong giai đoạn 1972 - 2011) để bảo vệ cho I-xra-en khỏi phải chịu trách nhiệm về các hoạt động vi phạm nhân quyền và tội ác chiến tranh trên Ga-da. Mỹ còn làm suy yếu hiệu lực của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Hội đồng Nhân quyền (HRC) và hiện nay là Tòa án Hình sự quốc tế (ICC).
Các nhà phân tích cho rằng, Mỹ đóng vai trò trung gian trong xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin và để là một phần trong giải pháp của vấn đề này, Mỹ nên hành động ít hơn. Bởi chừng nào Mỹ vẫn còn hậu thuận cho I-xra-en hay viện đến quyền phủ quyết làm lá chắn cho I-xra-en thì chừng ấy, Liên hợp quốc vẫn chưa thể ra một nghị quyết dứt khoát về xung đột hiện nay trên Ga-da. Điều đó cũng có nghĩa là sẽ tiếp tục còn nhiều sinh mạng vô tội phải nằm xuống dải đất chưa bao giờ “im tiếng súng” này./.
Yến Nhi

40. XUNG ĐỘT BIỂN ĐÔNG QUA NHÌN NHẬN CỦA MỘT SỐ HỌC GIẢ VÀ CHÍNH KHÁCH MỸ VÀ PHƯƠNG TÂY

Hồ Sĩ Quý
(GS.TS.,  Viện Thông tin Khoa học xã hội)
Lời BBT:
Biển Đông thực ra đã nóng lên từ vài chục năm trước, ít ra là từ năm 1974 khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, rồi sau đó, năm 1988 khi Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma. Nhưng xung đột tại một vài hòn đảo hoặc bãi đá là khác về chất (tính chất nguy hiểm, mức độ ảnh hưởng…) so với xung đột trên toàn Biển Đông. Từ tháng 3/2014 đến nay, Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt hành vi gây hấn trên toàn Biển Đông, từ cửa ngõ Vĩnh Bắc Bộ đến tận đảo Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa. Tại vị trí cách đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi 120 hải lý về phía đông, nơi hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, từ 1/5/2014 đến nay, Trung Quốc đã đưa giàn khoan khổng lồ Haiyang 981 đi kèm hàng trăm tàu hộ tống và hàng chục máy bay quân sự, hàng ngày thực hiện các hành vi xâm phạm chủ quyền, đâm chìm tàu cá, bắt giữ ngư dân, cản trở lực lượng chấp pháp Việt Nam thực thi công vụ. Tình huống của xung đột từ 5/2014 đến nay đã làm cho trật tự địa chính trị liên quan đến Biển Đông ở vào trạng thái nguy hiểm.
Mặc dù sự nhẫn nại gìn giữ hòa bình của Việt Nam được cả thế giới chứng kiến hàng ngày, nhưng nếu mưu đồ độc chiếm Biển Đông được Trung Quốc tính toán và thực hiện như hiện nay, thì hệ lụy của xung đột Biển Đông thật khó dự báo, không chỉ đối với Việt Nam, cũng không chỉ đối với giấc mộng cường quốc Trung Hoa, mà còn đối với trật tự hòa bình và phát triển của tất cả các quốc gia quanh Thái Bình Dương, nếu chưa muốn nói là toàn thế giới.
Độ nóng của Biển Đông nhìn từ phía Việt Nam có thể là tương đối rõ. Nhưng nhìn từ bên ngoài, vấn đề thể hiện như thế nào. Với bài viết này, tác giả, người đã nhiều năm theo dõi khá sát những nghiên cứu về Biển Đông, sẽ cung cấp cho bạn đọc: các học giả và các chính khách Mỹ và Phương Tây nhìn nhận như thế nào về mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, mưu đồ này có liên quan gì đến cái gọi là “Sự trỗi dậy hòa bình” và “Giấc mộng Trung Hoa” và tại sao R. Kaplan lại nhận định rằng, “Thực tế là, không có quốc gia nào bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng Việt Nam” (The fact is, no country is as threatened by China’s rise as much as Vietnam).
Bài viết gồm 4 phần: I. Khi con sư tử Trung Hoa thức dậy. II. Hà Nội 7/2010: Tuyên bố của Hillary Clinton và Chiến lược thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ. III. Biển Đông – “vạc dầu châu Á” qua phân tích của Robert D. Kaplan và nhóm chiến lược gia CNAS. và IV. Những hệ lụy.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
I. Khi con sư tử Trung Hoa thức dậy
1. Nếu coi nhận định của Napoleon về Trung Quốc cách đây gần trọn 200 năm là một dự báo, thì dự báo đó ngày nay đã có thể gọi là một tiên đoán - một tiên đoán thuộc loại chậm được chứng thực trong lịch sử nhân loại: “Khi con sư tử Trung Quốc thức dậy, cả thế giới sẽ run sợ” - năm 1816, Napoleon Bonaparte đã nói như vậy[1].
Nỗi lo ngại của Napoleon được coi là có cơ sở vì nó xuất phát từ toàn bộ nền văn hóa chính trị đối nội và đối ngoại của các Vương triều Trung Hoa. Nỗi lo ngại đó ám ảnh nền chính trị Châu Âu và thế giới đến nỗi, năm 1973, khi Trung Quốc vẫn còn ngập chìm trong hỗn loạn của cách mạng văn hóa, mà Alain Peyrefitte[2], một chính trị gia thân tín của Charles De Gaulle và là nhà văn Pháp, vẫn mượn câu nói của Napoleon làm tiêu đề cho cuốn sách của mình “Quand la Chine s'éveillera, le monde tremblera” (“Khi Trung Quốc thức dậy, cả thế giới sẽ run sợ”). Theo Peyrefitte, với số dân khổng lồ, khi Trung Quốc đạt đến một trình độ nào đó về văn minh và công nghệ, họ sẽ áp đặt cách hành xử Trung Hoa lên phần còn lại của thế giới. Năm 1996, sau một thời gian dài thấy kinh tế Trung Quốc liên tục tăng trưởng cao, quốc phòng lớn mạnh, sự kiện Thiên An Môn 1989 cũng không làm Trung Quốc chùn tay, Peyrefitte viết tiếp cuốn sách thứ hai về chủ đề này “Trung Quốc đã thức tỉnh” (La Chine s'est éveillée). Cả hai cuốn sách đều gây ấn tượng mạnh với người đọc Châu Âu và Phương Tây[3].
2. Không biết có bao nhiêu người Trung Quốc biết hai cuốn sách này, nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc hiểu được thế giới nghĩ gì về mình, nên năm 2003, trong một chuyến thăm Mỹ, tại Đại học Harvard, Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Trung Quốc lúc đó đã đưa ra quan niệm “Trung Quốc trỗi dậy hòa bình” (中国和平崛起). Lý luận “Trỗi dậy hòa bình” hóa ra lại khiến thế giới lo ngại thêm. Bởi vậy, năm 2004 tại diễn đàn Bác Ngao, Hồ Cẩm Đào đã thay chữ “trỗi dậy” của Ôn Gia Bảo bằng chữ “Phát triển” - “Trung Quốc phát triển hòa bình” (中国 和平 发展). Tháng 3 năm nay trong chuyến thăm Pháp, Chủ tịch Tập Cận Bình không ngần ngại đối diện với lời nhận xét của Napoleon, nhưng giải thích khác đi: “Hôm nay con sư tử Trung Quốc đã thức dậy. Nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc là con sư tử hòa bình, thân thiện, văn minh” (The rise of China as a head than 'peace, amiable, civilized' lion[4]).
Lúc Tập Cận Bình đang ở Pháp cũng là lúc Trung Quốc bí mật chuyển vật liệu để xây dựng sân bay ở bãi đá Gạc Ma, nơi Trung Quốc đã cưỡng chiếm bằng vũ lực năm 1988, làm 64 chiến sỹ Việt Nam hy sinh. Sau đó chỉ hơn một tháng, 5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ Haiyang 981 đi kèm hàng trăm tàu hộ tống và hàng chục máy bay quân sự vào khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ngày 26/5/2014, tàu Trung Quốc đâm
chìm tàu đánh cá của ngư dân Đà Nẵng. Tháng 6/2016, Trung Quốc tiếp tục đưa nhiều giàn khoan khác xuống Biển Đông, trong đó giàn khoan 09 nằm ngay tại Vịnh Bắc Bộ, nơi hai bên đang thảo luận để phân định ranh giới. Ngày 23/6/2014, Trung Quốc công bố bản đồ dọc, sửa đường 9 đoạn trên biển thành đường 10 đoạn ôm trọn Biển Đông của Việt Nam và vi phạm lãnh hải nhiều nước Đông Nam Á; bản đồ này còn vẽ luôn cả bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ vào lãnh thổ Trung Quốc. Ngày 24/6/2014, cùng một lúc 4 tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc xuất hiện tại đảo Hải Nam. Ngày 3/7/2014, quân đội Trung Quốc bắt 6 ngư dân Việt Nam khi đang đánh cá trong ngư trường Việt Nam truyền thống.
Mặc dầu hành xử như vậy, nhưng trong lễ kỷ niệm 60 năm Hội Hữu nghị nhân dân Trung Quốc ngày 16/5/2014, Tập Cận Bình vẫn nói “Trong máu của dân tộc Trung Hoa không có gen xâm lược, thống trị thế giới”. Và để bào chữa cho hành động xâm lăng Biển Đông, ngày 27/6/2014 trong một cuộc họp có nhiều quan chức cao cấp của Trung Quốc, Tập Cận Bình giải thích, trong quá khứ Trung Quốc yếu về phòng thủ trên biển và trên đất liền nên “bị các nước khác bắt nạt”. Bởi vậy, ngày nay quân đội Trung Quốc phải tăng cường kiểm soát biên giới trên bộ và trên biển của nước này[5].
Khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, xâm lược 6 tỉnh biên giới năm 1979 hay đánh chiếm Trường Sa năm 1988… con sư tử Trung Hoa có thể vẫn được coi là chưa thức giấc. Nhưng đến thời điểm hiện nay, rõ ràng là Trung Quốc đã trỗi dậy. Nhưng sự trỗi dậy được xem là quá hiếm hoi những biểu hiện “hòa bình, thân thiện và văn minh” mà lại dựa vào khá nhiều phương thức kém văn minh, thường xuyên bất chấp lẽ phải và công pháp quốc tế. Hầu hết những gì Trung Quốc đã làm từ nhiều năm nay, từ thiếu minh bạch trong chi phí quân sự đến thả lỏng trách nhiệm trong sản xuất hàng hóa, từ thao túng các nước ASEAN đến cư xử ngang ngược với các nước láng giềng, từ khai thác thô bạo ở Châu Phi đến mưu đồ độc chiếm Biển Đông… tất cả đều khiến cộng đồng thế giới lo ngại. Thuật ngữ “Chinazi”, “Chinazism” ám chỉ Trung Quốc là một kiểu Quốc xã mới đã được sử dụng cả trong ấn phẩm và ở nhiều diễn đàn không chính thức[6]. Và, với những sự kiện mới nhất làm nóng Biển Đông, lời tiên đoán của Napoleon đã không còn chỗ cho Trung Quốc bào chữa.
3. Thực ra, Biển Đông đã nóng từ vài chục năm nay. Nhưng nóng do xung đột cục bộ tại một vài hòn đảo so với nóng toàn bộ Biển Đông, từ Vịnh Bắc Bộ tới đảo Gạc Ma, là hai tình huống khác nhau rất xa. Hiện nay, dư luận quốc tế lo ngại xung đột Biển Đông có thể đẩy các bên tranh chấp đi quá xa - quá giới hạn của sự kiềm chế. Trong khi đó, bước leo thang từ “xung đột” tới “xung đột có vũ trang” hay “chiến tranh” lại là thứ logic không thiếu gì nguyên cớ, mặc dù sự nhẫn nại gìn giữ hòa bình của Việt Nam được cả thế giới chứng kiến hàng ngày. Nếu mưu đồ độc chiếm Biển Đông được Trung Quốc tính toán và thực hiện như hiện nay, thì xung đột vũ trang ở Biển Đông là khả năng khó tránh. Nếu xung đột vũ trang xảy ra ở Biển Đông thì việc phân định lại trật tự địa chiến lược trên Thái Bình Dương cũng đương nhiên sẽ được khởi động. Và như vậy, chẳng có gì giữ nổi cuộc chiến chỉ hạn chế trên biển. Không khó để hình dung, tình huống chắc sẽ không thể giống như Hoàng Sa năm 1974 hay Gạc Ma năm 1988 được nữa. Carl Thayer không phải là người duy nhất bày tỏ lo lắng về tình huống ảm đạm này[7].
4. Cách đây chỉ vài năm, lo ngại ở mức độ này chưa xuất hiện. Lúc đó, tất cả các dự báo mạnh bạo và cực đoan nhất dựa trên các thông tin khai thác ở mức thiên kiến nhất, cũng đều chưa dám tiên lượng về một cuộc chiến trên Biển Đông. Tất cả đều cố gắng đặt niềm tin vào sức mạnh kiềm chế, rằng chiến tranh sẽ không xảy ra, ít nhất là trong một tương lai gần; dự báo về chiến tranh chẳng qua chỉ để ép các nhà chức trách có trách nhiệm hơn trong việc theo đuổi hòa bình. Nhưng xung đột ở Biển Đông từ tháng 5/2014 đến nay đã gây ra một hiệu ứng khác. Lo ngại chiến tranh đã bắt đầu được đề cập cả trong các tính toán chiến lược, các diễn đàn ngoại giao và cả trong các tranh cãi đường phố. Vấn đề là ở chỗ, trong các tình huống cận xung đột vũ trang, một khi thủ lĩnh các bên vẫn còn định kỳ gặp gỡ và “nâng cốc yến tiệc”, thì chiến tranh vẫn chỉ là một khả năng xa, nghĩa là việc thảo luận trên bàn vẫn quyết định tình hình thực tế. Nhưng một khi tình hình thực tế đã tiềm tàng phát sinh những tình huống không kiểm soát được, thì chiến tranh bao giờ cũng là điểm hội tụ của những yếu tố bất ngờ - thời điểm xảy ra chiến tranh, trên thực tế, cũng đã từng bất ngờ ngay cả với bên gây chiến. Xung đột biển Đông hiện nay đã được một số học giả coi là ở vào trình độ tiềm tàng những tình huống khó kiểm soát[8].
Ở Việt Nam, trong tâm thế hết sức thận trọng, một số nhà lãnh đạo đã phải nói tới việc “chuẩn bị cho tình huống xấu” (hoàn toàn trái ngược với sự xuyên tạc trắng trợn của báo chí Trung Quốc). Còn tại Trung Quốc, khá nhiều học giả và tướng lĩnh cấp cao, chẳng hạn, Thường Vạn Toàn, Phòng Phong Huy, Tôn Kiến Quốc, Kim Vĩnh Minh, Lương Quốc Lương… lại công nhiên kêu gọi đánh Việt Nam, “Đánh một trận thiên hạ sẽ ổn định”. Thậm chí “Kế hoạch tấn công Việt Nam trong 31 ngày” mà hồi năm 2008 phía Việt Nam đã có ý kiến chính thức phản đối, cũng được giới chức Trung Quốc bật đèn xanh cho mạng Sina.com đăng lại. Tâm lý hiếu chiến dân tộc chủ nghĩa Đại Hán có thể dễ dàng bắt gặp trên báo chí Trung Quốc[9].
II. Hà Nội 7/2010: Tuyên bố của Hillary Clinton và Chiến lược thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ
1. Đối diện với một Trung Quốc tham vọng quá lớn, từ vài năm gần đây Chiến lược “xoay trục về Châu Á” và “Thế kỷ Thái Bình Dương” của Mỹ đã được thực thi. Tuy nhiên, tư tưởng của Chiến lược này, không phải xuất phát từ sự “ấu trĩ, bốc đồng của các chính trị gia thời Obama-Clinton (Hillary)”, mà thật ra đã được hình thành từ trước và được bắt đầu thực thi dưới thời George W. Bush, nhưng sự kiện 911 (11/9/2001) ngay sau đó đã làm mờ đi kế hoạch này. Điều quyết định hơn, thái độ hung hăng của Trung Quốc trong gần hết thập niên đầu tiên của thế kỷ mới cũng chưa đến mức nguy hiểm như hiện nay. Còn mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc trong cái nhìn của người Mỹ và Phương Tây thì đã rõ ngay từ khi Trung Quốc còn nghèo đói.

 

     
 
2. Người đầu tiên trong số các bộ óc chiến lược Mỹ bày tỏ sự lo ngại về xung đột có thể xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông là Samuel Huntington, học giả nổi tiếng toàn thế giới với tác phẩm “Sự đụng độ của các nền văn minh” xuất bản bằng 39 thứ tiếng. Từ góc độ trật tự địa chính trị, năm 1993 ông đã cảnh báo các nhà chiến lược Mỹ về điều này trên tờ “Foreign Affairs” Vol. 72 số 3, nhưng do quan tâm nhiều hơn đến mối đe dọa Hồi giáo cực đoan nên lúc đó dường như không mấy ai chú ý. Phát triển tư tưởng này trong cuốn sách “Sự đụng độ của các nền văn minh” xuất bản năm 1996, ông viết rõ: “Sự bá quyền của Trung Quốc ở Đông Á khó có thể đưa đến sự bành trướng về kiểm soát lãnh thổ thông qua can thiệp quân sự trực tiếp” nhưng “Biển Đông là trường hợp ngoại lệ”[10]. Ngoại lệ - đây là điều thật đáng chú ý. Phân tích điều này, Huntington chỉ ra rằng: “Cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, và lực lượng hải quân hai bên đã từng đụng độ nhau trong các thập kỷ 70 và 80. Trong những năm đầu thập kỷ 90, tiềm năng quân sự của Việt Nam đã giảm sút tương đối so với Trung Quốc… trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể là nước sẵn lòng kiềm chế Trung Quốc hơn, song trong giữa thập kỷ 90, điều không rõ là Hoa Kỳ sẽ đi xa đến đâu trong việc chống lại sự đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông. Cuối cùng thì, đối với Việt Nam, sự lựa chọn ít tồi tệ hơn cả có thể là ủng hộ Trung Quốc”[11]. Những dòng này Huntington viết trước năm 1995. Lý do, có thể không hoàn toàn như Huntington nói, nhưng Việt Nam quả thật đã lựa chọn phương thức gần giống với điều Huntington đã hình dung là “ủng hộ Trung Quốc”. Mặc dầu vậy, “việc lựa chọn điều ít tồi tệ hơn đối với Việt Nam”, từ đó đến nay, hóa ra cũng không ngăn cản nổi, và tệ hơn nữa, cũng gần như không tác động được gì đến việc Trung Quốc quyết tâm thực hiện độc chiếm Biển Đông. Huntington mất 12/2008, nhưng những điều ông viết vẫn rất sống động với thế giới hôm nay, với sự lựa chọn chiến lược của Nhà Trắng, không chỉ về vùng Trung Cận Đông, về thế giới Hồi Giáo, mà còn về quan hệ Mỹ Trung, Mỹ Nhật, và đặc biệt về Biển Đông và Việt Nam[12].
3. Trong những diễn biến liên quan đến Biển Đông, cần thiết phải nhắc tới sự kiện ngày 23/7/2010, Hội nghị Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 17 được tổ chức tại Hà Nội. Đây là Hội nghị đánh dấu thái độ của Mỹ, của 27 nước thành viên ARF trong và ngoài ASEAN, và của cộng đồng thế giới về vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ lúc đó, bà Hillary Clinton chính thức lên tiếng về “lợi ích quốc gia của Mỹ trong việc tự do hàng hải ở biển Đông”. Bà Clinton nói: “Mỹ tuyên bố hỗ trợ ngoại giao đối với các bên tranh chấp và lên án sự cưỡng ép, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của bất kỳ nước nào”. Ngoại trưởng Mỹ còn nói rõ, “việc đòi chủ quyền đối với không gian biển phải bắt nguồn từ việc đòi chủ quyền hợp pháp với các đảo, đất, đá... trên biển”[13]. Tuyên bố này ngay thời điểm đó đã gây chấn động mạnh. Hơn một nửa trong số 27 nước có mặt phát biểu ủng hộ. Dương Khiết Trì, ngoại trưởng Trung Quốc lúc đó, tức giận bỏ phòng họp và chính giới Trung Quốc khó chịu. Nhắc lại sự kiện này trong cuốn Hồi ký “Sự lựa chọn khó khăn” mới xuất bản 6/2014 của mình, bà Clinton kể lại, lúc đó “Trung Quốc đã đi quá đà và Việt Nam là cơ hội độc đáo chiến lược cho dù đầy thách thức”. “Tôi thấy Dương Khiết Trì giận tái mặt! Anh ta yêu cầu dừng phiên họp một tiếng đồng hồ trước khi trả lời. Khi trở lại, nhìn thẳng vào mắt tôi, Dương Khiết Trì bác hẳn chủ đề Biển Đông và cảnh báo mọi can thiệp từ bên ngoài. Rồi quay sang các nước láng giềng châu Á, anh ta nhắc lại rằng Trung Quốc “là một nước lớn, lớn hơn tất cả những nước có mặt ở đây cộng lại” (China is a big country, bigger than any other countries here). Trong khuôn khổ hội nghị này, đó không phải là một lý lẽ thuyết phục”[14]. Điều thú vị là, hiện nay cuốn sách này chính thức bị cấm phát hành ở Trung Quốc.

 

     
 
4. Không dừng ở đó, cuối năm 2011, Mỹ đã chính thức tuyên bố thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ. Phục vụ chiến lược này, Mỹ đã nâng cấp quan hệ quân sự và tiến hành tập trận chung với các nước như Philippines, Singapore, Australia, Ấn Độ… - những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc. Kế hoạch cho sự có mặt dài lâu của quân đội Mỹ ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng đã không ngần ngại được nói đến. Tinh thần “thế kỷ Thái Bình Dương” được Mỹ liên tục nhắc lại trong các diễn đàn chính trị quốc tế. Tại Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) diễn ra ở đảo Cook ngày 31/8/2012, ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh “Washington sẽ can dự lâu dài ở Nam Thái Bình Dương” vì Thái Bình Dương không phải là ao nhà của bất kỳ ai, mà “Khu vực Thái Bình Dương đủ rộng cho tất cả các nước, cho Mỹ và cho một Trung Quốc đang lên”[15].
Thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ - lời tuyên bố chính thức cho chiến lược này được ngoại trưởng Mỹ công bố tại hội nghị thượng đỉnh khối APEC gồm 21 nước Châu Á - Thái Bình Dương nhóm họp tại Honolulu ngày 10/11/2011. Tuyên bố này sau đó được đăng lại trên tờ Foreign Policy số tháng 11/2011. Chắc chắn đây là một văn kiện quan trọng mà có thể nhiều thập niên sau người ta mới thấy hết ý nghĩa của nó. Với tuyên bố này, bà Clinton nói rõ: “Tương lai của các hoạt động chính trị sẽ được quyết định ở Châu Á, chứ không phải ở Apghanistan hay Iraq, và Mỹ sẽ ở trung tâm của những hành động đó… Châu Á có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của nước Mỹ, một nước Mỹ can dự sẽ có ý nghĩa sống còn đối với tương lai của Châu Á. Mỹ là cường quốc duy nhất có mạng lưới liên minh rộng khắp trong khu vực, không tham vọng về lãnh thổ, và từ lâu đã có những thành tích trong việc mang lại lợi ích chung”[16]. Sự can dự của Mỹ với truyền thống của một Đế quốc không tham vọng lãnh thổ luôn được các nước có liên quan coi là điều có sức thu hút[17].
5. Có thể là để chuẩn bị cho Ngoại trưởng Hillary Clinton công bố chiến lược Thế kỷ Thái Bình Dương, tờ Foreign Policy số tháng 9 và tháng 10 năm 2011 đã cho ra mắt bài “Biển Đông: tương lai của xung đột” của R. Kaplan[18], một bài viết vạch rõ những căn cứ lý luận, lịch sử và những tư tưởng nền tảng cho chiến lược Biển Đông của Mỹ. Tháng 1/2012, Kaplan cùng các tác giả khác của CNAS (Center for a New American Security, Trung tâm An ninh Mỹ) còn công bố bản phúc trình 115 trang mang tên “Phối hợp lực lượng: Mỹ, Trung Quốc và Biển Đông”, thực chất là tư tưởng về hoạch định Chiến lược của Mỹ đối với Biển Đông[19]. Bài viết “Biển Đông: tương lại của xung đột” cùng với Bản phúc trình “Phối hợp lực lượng” từ ngày đó đã gây được sự chú ý của giới nghiên cứu, giới quân sự, các nhà hoạt động xã hội và các chính khách ở khắp các diễn đàn liên quan tới tình hình Biển Đông, Việt Nam và Châu Á - Thái Bình Dương.
III. Biển Đông – “vạc dầu châu Á” qua phân tích của Robert D. Kaplan và nhóm chiến lược gia CNAS
1. Trong giới chính trị chiến lược Mỹ và phương Tây, Robert D. Kaplan[20], chuyên gia nổi tiếng của Hội đồng Chính sách Quốc phòng Mỹ, người có tầm nhìn sâu sắc về chiến lược và có kinh nghiệm dày dạn trong hoạt động quân sự, được coi là người giỏi nhất về tình hình Biển Đông. “Vạc dầu Châu Á” là thuật ngữ gọi Biển Đông của Kaplan từ tháng 3/2014. Gần như trùng với thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan Haiyang 981 vào Biển Đông, Kaplan đã cho ra mắt cuốn sách “Vạc dầu Châu Á: Biển Đông và sự kết thúc của Thái Bình dương yên tĩnh”[21]. Cuốn sách trở thành “hiện tượng” ở Mỹ và nhiều nước phương Tây, một phần vì tên tuổi của Kaplan, phần khác vì chính sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Haiyang 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
2. Có thể nói không ngoa rằng, kể từ khi Biển Đông nóng lên thì trên bàn làm việc của tất cả các chính khách và các chiến lược gia về Châu Á - Thái Bình Dương, bên cạnh hồ sơ tranh chấp và xung đột, chắc chắn phải là cuốn sách “Vạc dầu Châu Á…” của Kaplan. Có lẽ không ai dám bỏ qua cuốn sách này nếu muốn đưa ra ý kiến của mình. Đánh giá cuốn sách, Henry Kissinger, người vẫn được coi là nhà kiến tạo quan hệ Mỹ Trung hiện đại, Ngoại trưởng Mỹ 1973-1977, Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ 1969-1975, viết: “Một nghiên cứu hấp dẫn và không tầm thường. Cuốn sách mới và quan trọng này soi sáng một chân lý cổ xưa: Địa lý là nhân tố chủ yếu trong việc quyết định số phận của các quốc gia, từ các Pharaoh của Ai Cập ngày xưa đến Mùa xuân Ả Rập hiện nay”[22].
Cuốn sách gồm 8 chương, trong đó chương 3 được dành riêng viết về Việt Nam (Tiêu đề chương 3: “Thân phận của Việt Nam” - The Fate of Vietnam). Với sự am tường Việt Nam ở mức khá sâu cả về lịch sử và cả về hiện trạng, sự cảm nhận sắc sảo những nét tinh tế và phức tạp của vấn đề qua các cuộc gặp gỡ với những chính khách và các nhân vật đáng chú ý ở Việt Nam, Mỹ và ở các nước khác, Kaplan đã phân tích khá rõ vị thế vô cùng khó khăn và phức tạp của Việt Nam trước ý đồ của Trung Quốc trong trật tự địa chính trị thế kỷ XXI.
Quan điểm của Kaplan và các nhà chiến lược Mỹ nhóm CNAS, trong cuốn sách “Vạc dầu Châu Á…” và trong các bài viết quan trọng của họ (đã được dẫn ra ở bài viết này), theo chúng tôi, có mấy điểm đáng chú ý (đáng ra phải trình bày rất dài, nhưng xin được nói vắn tắt ở đây) như sau:
3. Theo R. Kaplan, “những khu vực tranh chấp gay gắt nhất của địa cầu trong thế kỷ XX nằm trên lục địa châu Âu, đó là một địa cảnh (Landscape - trên bộ, trên đất liền, lục địa – Chúng tôi giải thích thêm. HSQ). Còn Đông Á, khu vực tranh chấp gay gắt nhất của thế giới trong thế kỷ XXI lại là biển, những hải vực bao la, một hải cảnh (Seascape). Sự khác biệt này là quan trọng giữa thế kỷ XX và thế kỷ XXI”[23].
Đây là nhận định tổng quát nhất của Kaplan về xung đột trong thế kỷ XXI, cũng là nhận định có ý nghĩa nền tảng để Kaplan phân tích những tình huống xung đột cụ thể ở Biển Đông và những ý đồ địa chính trị của các bên tranh chấp. Theo quan điểm này thì xung đột trong thế kỷ XXI chủ yếu là những xung đột liên quan đến biển, trên nền của những “hải cảnh”, chủ yếu nhằm giải quyết những vấn đề về biển. Không biết Kaplan quan niệm như thế nào về những vấn đề địa chính trị gay gắt trên bộ, trên đất liền, mà xung đột gay gắt nhất của thế kỷ này, theo ông lại chỉ còn ở biển, nhất là những hải vực bao la. Chúng tôi chưa thấy ai phản bác quan điểm này của Kaplan, có thể là vì thế kỷ XXI, phạm vi thời gian trong khái quát của kaplan, cũng chỉ mới đi được một đoạn rất ngắn, 14 năm. Nhưng sự im lặng này cũng không đồng nghĩa với sự tán thành hoàn toàn quan điểm Kaplan.
 4. Kaplan dự báo “một hình thái xung đột ở Biển Đông sẽ khác hẳn với những gì đã từng thấy” (“xung đột thì không thể loại hoàn toàn ra khỏi đời sống nhân loại”, theo Kaplan). Trong tương lai, “Có lẽ chúng ta sẽ được chứng kiến một hình thái xung đột thuần túy hơn, chỉ nằm gọn trong lãnh vực hải quân. Đây là một tình huống đáng lạc quan”. “Xung đột hay chiến tranh trên biển thì chẳng có gì lãng mạn cả. Nhưng trong các trận hải chiến, trừ phi có pháo kích vào bờ, thực ra không hề có nạn nhân”[24].
Đây cũng là quan niệm tương đối mới lạ của Kaplan và cũng chưa thấy ai đồng tình hay phản đối. Chiến sự tương lai sẽ chỉ nằm gọn trong lĩnh vực hải quân, hải quân được Kaplan giải thích theo nghĩa rộng, gồm tất cả những gì liên quan đến biển, kể cả không quân trên biển. Kaplan có ý cho rằng, với chiến tranh hoặc xung đột trên biển, sẽ không có cảnh dàn trận với hàng vạn hoặc chục vạn quân nhân của những quân đoàn hay phương diện quân khổng lồ trên biển. Vùng chiến sự trên biển lại không nằm trong khu vực dân cư như trên bộ. Những hạm đội hùng hậu trên biển cũng chỉ có lực lượng lính thủy đánh bộ là trực tiếp tác chiến theo kiểu cổ điển[25]. Do vậy, những những tội ác chiến tranh theo kiểu trên bộ sẽ không xảy ra. “Không có nạn nhân” và “Tình huống lạc quan” hiểu theo Kaplan là như vậy.
Chúng tôi cho rằng quan điểm này của Kaplan cũng cần thiết phải được phản biện. Tuy nhiên, điều này vượt quá khuôn khổ và vấn đề của một bài báo.
5. Theo R. Kaplan, “trong quan hệ quốc tế, đứng sau mọi vấn đề đạo đức là vấn đề quyền lực... Trong những thập kỷ tới, tại Tây Thái Bình Dương, đạo đức có thể có nghĩa là từ bỏ một số lý tưởng mà chúng ta trân quí nhất (our most cherished) để kiến tạo ổn định. Chúng ta có thể làm gì khác hơn để nhường chỗ cho một Trung Quốc theo thể chế nửa – độc tài (quasi-authoritarian) trong khi quân đội của họ không ngừng bành trướng?… Đó cũng sẽ là một bài học của Biển Đông trong thế kỷ XXI - một bài học mà những người có lý tưởng (Idealists) không muốn nghe… Bởi thế bất cứ vở kịch đạo đức nào diễn ra ở Đông Á cũng phải mang sắc thái chính trị quyền lực khắc khổ thuộc loại sẽ khiến nhiều trí thức và ký giả tê điếng (numb)... Trong câu chuyện tái diễn ở thế kỷ XXI, với Trung Quốc đóng vai người Athens nắm giữ địa vị cường quốc hải dương có sức mạnh vượt trội trong khu vực, kẻ yếu vẫn phải khuất phục - và chỉ có thế mà thôi. Đây sẽ là chiến lược ngầm của Trung Quốc, những các quốc gia nhỏ hơn tại Đông Nam Á buộc phải liên kết với Hoa Kỳ để tránh khỏi số phận của người dân đảo Melos. Nhưng tàn sát - điều đó sẽ không hiện hữu”[26].
Cần phải có một chuyên luận riêng để bàn về những điều Kaplan vừa nói. Trước mắt, với các nhà nghiên cứu, việc thấu hiểu quan niệm này một cách sâu sắc để phản biện, tiếp thu hay bày tỏ thái độ phản đối là rất quan trọng. Hơn thế nữa chúng tôi cũng không có tài liệu hay thông tin về thái độ của Nhà Trắng đối với quan điểm này, không biết Tổng thống, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng… Mỹ có tán thành quan điểm này hay không, và nếu có thì ở mức độ nào.
6. Mặc dù viết khá nhiều về chiến tranh và cùng với thời gian, nguy cơ của xung đột vũ trang trong các ý kiến có ý nghĩa dự báo của Kaplan cũng ít nhiều tăng lên, nhưng trong cái nhìn toàn cục thì quan điểm của Kaplan và của các nhà chiến lược CNAS, tính đến nay (7/2014), vẫn nghiêng về phía tin tưởng vào khả năng kiểm soát của “lý trí lành mạnh”, ám chỉ trước hết là khả năng kiểm soát của Mỹ. Theo Kaplan, không để chiến tranh xảy ra ở Biển Đông là điều có thể làm được. Ông viết: “Cuộc đấu tranh để giành địa vị ưu việt tại Tây Thái Bình Dương không nhất thiết phải bao gồm chiến tranh. Chiến tranh chẳng phải là chuyện không thể tránh khỏi cho dù cạnh tranh là điều hiển nhiên”[27].
7. Về Việt Nam, khi cảm nhận và có ý sẻ chia với tâm thức của người Việt về mối đe dọa từ phương Bắc, Kaplan đã đưa ra một so sánh thú vị giữa Mỹ và Trung Quốc trong lịch sử Việt Nam. Ông viết: “Mỹ chỉ là một cấu thành bên lề của quá khứ Việt Nam, trong khi đó Trung Hoa lại là một thành tố cốt tử”. Ông tán đồng với Robert Templer, một học giả Mỹ đã có thời tham chiến ở Việt Nam về “nỗi lo sợ bị đô hộ là bất biến và vượt qua mọi khác biệt về hệ tư tưởng” ở người Việt. Theo Kaplan, “nỗi lo sợ của Việt Nam là một tất yếu sâu sắc vì Việt Nam không thể chạy trốn khỏi sự vây tỏa của người láng giềng khổng lồ phương bắc, có dân số đông gấp 15 lần. Người Việt Nam hiểu rằng vị trí địa lý đã quy định cách thức quan hệ của họ với Trung Hoa: họ có thể chiến thắng trên chiến trường, nhưng sau đó vẫn phải cử người đến Bắc Kinh thể hiện sự thần phục. Đó là tình huống lạ lùng đối với một quốc gia trên thực tế là một hòn đảo như Mỹ” [28].
“Thực tế là, không có quốc gia nào bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng Việt Nam” (The fact is, no country is as threatened by China’s rise as much as Vietnam)[29]. Đây là một nhận xét sâu sắc, đặc biệt thú vị và phải là người có cái nhìn xuyên suốt lịch sử Việt Nam trong đối sánh với các quốc gia khác xung quanh Trung Quốc, thì mới có thể bật ra được nhận xét tinh tường như thế. Người Việt Nam đôi khi cũng có suy nghĩ tương tự, nhưng chưa thấy ai viết hoặc phát biểu chính thức như vậy.
IV. Những hệ lụy
1. Chắc chắn là Trung Quốc đã tính toán rất kỹ và chuẩn bị từ lâu để đưa giàn khoan Haiyang 981 cùng các phương tiện quân sự vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Thời điểm mà Trung Quốc lựa chọn cũng thuộc loại hiếm hoi để Nga dẫu có định nói gì cũng phải im lặng[30] (sau cú gây chấn động địa chính trị ở Crimea và bắt tay với Trung Quốc để bán hàng trăm tỷ USD khí đốt trong suốt 30 năm). Mỹ đang có những vấn đề của mình ở Châu Âu và Trung Đông, trong khi Tổng thống Obama lại ở vào thời điểm bất lợi nhất về uy tín[31]. Nhật Bản đang “nín thở” để thực thi chính sách “quyền tự do nhiều hơn về quân sự” của mình. Philippines và Indonesia thì còn đang “ngơ ngác chưa hiểu Trung Quốc định làm gì” với các eo biển Malacca, Sunda, Blombok và Makascha[32]. Malaysia thì có thái độ bí ẩn đến nghi ngờ[33]. Thái Lan và Campuchia thì vô tình hoặc cố ý coi một vài bãi đá ở Thái Bình Dương là chuyện xa lạ. Lào thì lúng túng không biết thể hiện chính kiến như thế nào. Còn Việt Nam, “kẻ đối đầu hữu nghị” - đối tượng có ý nghĩa quyết định nhất cho việc thành bại của những âm mưu - thì thực lực quân sự vẫn chưa mạnh như dự kiến[34], kinh tế gặp nhiều khó khăn, đối nội và đối ngoại đều có những vấn đề lớn nhỏ. Một “cơ hội khó có thể tốt hơn” tương tự như lúc Trung Quốc đã đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974.
2. Cơ hội tốt, tiềm lực kinh tế vững, thực lực quân sự đủ mạnh, phương thức thừa tự tin để hiện thực hóa ý chí “Trung Hoa mộng”…, vậy bước đi này của Trung Quốc là đúng đắn hay sai lầm, có lợi hay có hại cho sự hình thành một Trung Hoa cường quốc vào những thập niên tới?
Dĩ nhiên Trung Quốc tự ca ngợi hành động của mình chính đáng và hơn thế nữa, còn là không quên “nỗi nhục trong lịch sử” (History of humiliation, như chính tập Cận Bình đã nói trước quân đội 27/6/2014[35]). Nhưng cũng không ít học giả, chính khách quốc tế, trong đó có cả học giả Trung Quốc, coi bước đi này của Trung Quốc là “dại dột”, “Cao Biền dậy non”, sai lầm, thậm chí sai lầm to lớn. Và, nếu thế thì đây mới là điều đặc biệt thú vị. Một Trung Quốc khôn ngoan, mưu lược, kỹ lưỡng đến từng chi tiết, ấp ủ mộng lớn tới hàng trăm năm… mà chẳng lẽ vẫn “dại dột”, và “về lâu dài lại gây tổn hại cho mình nhiều hơn”[36] hay sao.
Như trong tham luận “Thế kỷ châu Á và vấn đề Biển Đông” tại Hội thảo Việt Nam học lần thứ tư, Hà Nội, 11/2012[37], quan điểm của chúng tôi và của nhiều học giả quốc tế khác đã được trình bày, triển vọng về một Châu Á hưng thịnh trong thế kỷ XXI với cường quốc Trung Hoa đóng vai trò đầu tàu vĩ đại của sự tiến bộ, là triển vọng khá thực tế. Khó ai có thể ngăn trở hoặc phá vỡ được triển vọng này, ngoài chính Trung Quốc. Xin nhấn mạnh, Khó ai có thể ngăn trở hoặc phá vỡ được triển vọng này, ngoài chính Trung Quốc. Nghĩa là, nếu Trung Quốc biết kiềm chế tham vọng phi lý của mình và nếu Biển Đông không có chiến tranh, thì thế kỷ XXI sẽ là “Thế kỷ châu Á”, Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc có trách nhiệm và nhiều điều tốt đẹp khác sẽ đến với Châu Á và với thế giới.
Nhưng điều kỳ lạ đến khó tin là, trong đối ngoại, “Trung Quốc chỉ cảm thấy thoải mái khi hành xử theo cách của riêng mình” [38] (Rory Medcalf, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế thuộc Viện Lowy, thành viên cao cấp của Viện Chính sách đối ngoại Brookings đã nhận xét như vậy). Nếu đúng như thế thì có thể tâm lý Đại Hán dân tộc chủ nghĩa đã che khuất tầm nhìn sáng suốt của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Theo dõi đánh giá của các học giả Mỹ, Phương Tây và các nước khác, trong chừng mực tài liệu mà chúng tôi bao quát được, về hệ lụy của hành động Trung Quốc làm nóng Biển Đông, chúng tôi thấy các phân tích thường khá tập trung ở những nội dung sau: 1/ Trung Quốc làm xấu đi hình ảnh của chính mình, tự coi mình là trường hợp dị thường, làm mất thêm niềm tin của cộng đồng quốc tế. 2/ Làm sống dậy chủ nghĩa dân tộc Đại Hán hẹp hòi, “to xác, xấu tính” [39] (chữ dùng chỉ Trung Quốc của David Pilling, Biên tập viên kỳ cựu của tờ Financial Times). 3/ Vô tình thúc đẩy Liên minh Nhật - Mỹ - Philippines, Liên minh Nhật - Mỹ - Hàn. 4/ Buộc ASEAN khá lỏng lẻo phải đồng thuận hơn. 5/ Làm cho EU và phương Tây e ngại sâu sắc hơn đối với Trung Quốc. 6/ Đẩy Việt Nam xích lại phía Mỹ gần hơn. 7/ Cuối cùng, biến mối quan hệ giữa 2 Đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam, vốn đã không nhiều tin tưởng, trở thành lạc lõng; vô hiệu hóa khẩu hiệu 4 tốt và 16 chữ vàng, mà Trung Quốc dùng để ràng buộc Việt Nam nhiều hơn là Việt Nam có thể yêu cầu gì ở phía Trung Quốc.
V. Kết luận
Mặc dù những hiện tượng dẫn ra trong bài đều là có thật và những đánh giá của các học giả và các chính khách Mỹ và Phương Tây về vấn đề đều rất khách quan, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng rằng, quy luật về sự tiến bộ trước sau vẫn là quy luật thép. Và nếu thế thì những hiện tượng khiến thế giới cảm nhận không mấy tốt đẹp về sự trỗi dậy của Trung Quốc chẳng qua chỉ là những biểu hiện không bản chất, những bước vấp váp, quanh co hoặc thụt lùi… sai lầm của một một cường quốc đang lên. “Quay đầu là bờ” – Trung Quốc rồi sẽ nhận ra hay buộc phải nhận ra sai lầm của mình. “Hạ lưu” không thể là phương thức để phát triển. Sự “trỗi dậy” trong thế kỷ XXI không thể bằng cách nào khác ngoài hòa bình, thân thiện và văn minh, nếu Trung Quốc muốn là con sư tử Trung Hoa. Thế kỷ XXI vẫn là thế kỷ của một Châu Á thịnh vượng.
 
 

[1]. Xem: Gabriel Racle (2005). L' Eveil de la Chine. L'Express 13-19 décembre 2005. http://www.lexpress.to/archives/94
[2]. Alain Peyrefitte (1925-1999) là nhà văn, viện sỹ Hàn lâm. Ông đã có một thời gian dài giữ các trọng trách trong chính phủ Pháp: Nhà ngoại giao ở Đức và Ba Lan, Bộ trưởng Bộ Thông tin 1962-1966, Bộ trưởng Bộ Tư pháp 1977-1981. Ông là tác giả của nhiều ấn phẩm có giá trị: “The Immobile Empire” (Đế chế bền vững), “Quand la Chine s'éveillera, le monde tremblera” (Khi Trung Quốc thức dậy, thế giới có run sợ), “Le Mal Français” (Người Pháp xấu xí)… Sau khi qua đời 1999, ông được vinh danh và thi hài được giữ trong Les Invalides, nơi yên nghỉ của Napoleon và các vĩ nhân khác.
[3]. Xem: Gabriel Racle (2005). Sđd.
[4]. Xem: Xi Jinping: the Chinese foreign media attention compared to the peace "Lion". http://www.newshome.us/news-7406458-Xi-Jinping-the-Chinese-foreign-media-attention-compared-to-the-peace-Lion.html
[5].“中华民族的血液中没有侵略他人、称霸世界的基因,中国人民不接受'国强必霸'的逻辑。” Xem:http://mp.weixin.qq.com/s?__biz=MjM5NjI0Mjk0MA==&mid=200565954&idx=1&sn=29d8276f57d73d0cb4331431a91872ee   //  Tập Cận Bình nói Trung Quốc bị bắt nạt: Sự thật là gì? http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tap-can-binh-noi-tq-bi-bat-nat-su-that-la-gi-3044372/
[6] Vào bất cứ thời điểm nào, gõ hai thuật ngữ trên tại bất cứ công cụ tra cứu nào, mạng Internet cũng đưa ra hàng vạn kết quả. Xem: Navarro, Peter & Greg Autry (2011). Death by China, Confronting The Dragon – A Global Call to Action. Publishing as Prentice Hall. http://www.deathbychina.com/DBC-excerpt.pdf . // 同主题阅读:[ZGPT]未来50年中国的六场战争:将彻底打破世界格局http://www.mitbbs.com/article_t/MiscNews/31207047.html (Website Chinanew nói về 6 cuộc chiến tranh mà Trung Quốc sẽ tiến hành để thực hiện Giấc mộng Trung Hoa trong 50 năm tới: 1/ Đài Loan 2020-2025; 2/ Biển Đông 2025-2030; 3/ Tây tạng 2035-2040; 4/ Điếu Ngư-Lưu Cầu 2040-2045; 5/ Ngoại Mông 2045-2050; Nga 2055-2060. Từ năm 2011 đến nay, 6/2014, bài viết này đã bị phản đối gay gắt trên khắp thế giới. Nhưng Trung Quốc vẫn không chịu gỡ bỏ).
[7]. Xem: Carl Thayer (2014). Kịch bản chiến tranh Việt - Trung. http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/05/140522_carlthayer_vn_china_conflict.shtml // James B. Steinberg, Michael O'Hanlon (2014). Keep Hope Alive How to Prevent U.S.-Chinese Relations From Blowing Up. http://www.foreignaffairs.com/articles/141476/james-b-steinberg-and-michael-ohanlon/keep-hope-alive
[8]. Xem: Aliza Goldberg (2014). Push Comes to Shove in the South China Sea. World Policy. June 26, 2014. http://www.worldpolicy.org/blog/2014/06/26/push-comes-shove-south-china-sea // Bill Dries (2014). How to Have a Big Disastrous War with China. National Interest 27 June 2014. http://nationalinterest.org/feature/how-have-big-disastrous-war-china-10762
[9]. Xem: Việt Nam phản đối bài viết trên mạng Trung Quốc. http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/09/080905_viet_protest_china.shtml // Hữu nghị, nhưng phải giữ chủ quyền. http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/07/140701_nguyenphutrong_on_oilrig.shtml // Trung Quốc lộ rõ ý định đánh phủ đầu Việt Nam. http://hoangsa.org/f/threads/khi-trung-quốc-lộ-rõ-ý-định-đánh-phủ-đầu-việt-nam.686 // Học giả Trung Quốc: Nên tạm gác Hoa Đông, "xử lý" Biển Đông trước. http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Hoc-gia-Trung-Quoc-Nen-tam-gac-Hoa-Dong-xu-ly-Bien-Dong-truoc-post146632.gd // Trung Quốc kéo 4 tàu ngầm hạt nhân ra dọa Mỹ, trừng phạt Việt Nam. http://www.baomoi.com/Trung-Quoc-keo-4-tau-ngam-hat-nhan-ra-doa-My-trung-phat-Viet-Nam/119/14151265.epi
[10]. Huntington, Samuel P.(2005). Sự va chạm của các nền văn minh. Nxb. Lao động. tr.328.
[11]. Huntington, Samuel P.(2005). Sđd. tr. 336-337.
[12].  Xem: Flournoy, Michael, Ely Ratner (2014). China’s territorial advances must be kept in Check by the United States. Washington Post. July 4. http://www.washingtonpost.com/opinions/chinas-territorial-advances-must-be-kept-in-check-by-the-united-states/2014/07/04/768294dc-0230-11e4-b8ff-89afd3fad6bd_story.html.
[13]. Clinton, Hillary R., Secretary of State (2010). Press Availability. National Convention Center. Hanoi, Vietnam. July 23,. http://www.state.gov/secretary/rm/2010/07/145095.htm
[14]. Xem: Clinton, Hillary R. (2014). Hard Choices. Pub.: Simon & Schuster.
[15] Clinton, Hillary R., Secretary of State (2012). Commemorating U.S. Peace and Security Partnerships in the Pacific.Cook Islands, August 31. http://www.state.gov/secretary/rm/2012/08/197262.htm
[17] Tổng Giám mục Giáo xứ Canterbury, Anh gay gắt hỏi Ngoại Trưởng Mỹ Colin Powell trong một cuộc họp báo, việc Mỹ đem quân đến Iraq và Afganistan có phải là thí dụ điển hình về tham vọng bành trướng lãnh thổ hay không? Colin Powel từ tốn trả lời:  - Thưa Đức Cha, từ bao năm qua, Mỹ đã gửi không biết bao nhiêu nam thanh, nữ tú xuất sắc của mình dấn thân vào lửa đạn để tranh đấu cho tự do ngoài biên cương của Mỹ. Tham vọng về đất đai của chúng tôi, nếu có là chỉ xin vừa đủ đất để chôn những người tử trận không thể trở về. Xem: http://www.vids.org.vn/vn/asp/News_Detail.asp?tabid=1&mid=802&ID=2138.
[18] Kaplan, Robert D.  (2011). The South China Sea Is the Future of Conflict. Foreign Policy. Sept/Oct,.http://www.foreignpolicy.com/articles/2011/08/15/the_south_china_sea_is_the_future_of_conflict
[19] CNAS. Cooperation from Strength: The United States, China and the South China Sea. (Edited by Patrick M. Cronin. Contributors: Patrick M. Cronin, Peter A. Dutton, M. Taylor Fravel, James R. Holmes, Robert D. Kaplan, Will Rogers and Ian Storey). January, 2012. http://www.cnas.org/files/documents/publications/CNAS_CooperationFromStrength_Cronin_1.pdf
[20]. Robert D. Kaplan, Giám đốc cơ quan phân tích địa chính trị Stratfor, chuyên gia cao cấp của Trung tâm An ninh Mỹ CNAS (Center for a New American Security), chuyên gia Hội đồng Chính sách Quốc phòng, Mỹ. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về quan hệ quốc tế, như “Cuộc báo thù của địa lý: những gì bản đồ nói với chúng ta về các xung đột sắp tới và cuộc chiến chống lại định mệnh” (The Revenge of Geography: What the Map Tells Us About Coming Conflicts and The Battle Against Fate) Nxb. Random House, 2012, & 2013; “Những bóng ma Balkan: hành trình qua lịch sử (Balkan Ghosts: A Journey Through History. Nxb. Picador, 1993, 2005)… Năm 2011 và 2012 Kaplan được “Foreign Policy” xếp hạng thuộc “Top 100” Nhà tư tưởng toàn cầu (“Global Thinkers”).Thomas Friedman gọi R. Kaplan một trong bốn tác giả được đọc nhiều nhất sau Chiến tranh lạnh (cùng với Francis Fukuyama - Đại học Johns Hopkins, Paul Kennedy - Đại học Yale và Samuel Huntington - Đại học Harvard). (Theo: http://www.cnas.org/people/experts/staff/robert-kaplan // http://www.robertdkaplan.com/robert_d_kaplan_bio.htm). Lưu ý: Quan điểm của Kaplan không phải lúc nào cũng được Nhà trắng tán thành, như một số tài liệu đã nói.
[21]. Kaplan, Robert D. (2014). Asia's Cauldron: The South China Sea and the End of a Stable Pacific. Random House. New York, 2014.
[22] The Latest Books From Robert D. Kaplan. http://www.robertdkaplan.com/
[23] Kaplan, Robert D.  (2011). Sđd. (Bản dịch của Viện Thông tin KHXH (2012). Niên giám Thông tin KHXH nước ngoài. Số 3. Nxb. KHXH. 2012. tr. 328.
[24] Kaplan, Robert D.  (2011). Sđd. tr. 337.
[25] Xem: The United States 7th Fleet. http://www.csg7.navy.mil/engagements/7thfleetregion.htm // Trịnh Thái Bằng (2013). Hạm đội 7 Mỹ và cuộc chiến ở Biển Đông. http://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/ham-doi-7-my-va-cuoc-chien-o-bien-dong-644299.tpo
[26] Kaplan, Robert D.  (2011). Sđd. tr. 341-342, 337.
Xin được trích nguyên văn để tránh hiểu sai: “In international affairs, behind all questions of morality lie questions of power… In the Western Pacific in the coming decades, morality may mean giving up some of our most cherished ideals for the sake of stability. How else are we to make room for a quasi-authoritarian China as its military expands? … That, too, will be a lesson of the South China Sea in the 21st century -- another one that idealists do not want to hear. (…) Whatever moral drama does occur in East Asia will thus take the form of austere power politics of the sort that leaves many intellectuals and journalists numb. (…) In the 21st-century retelling, with China in Athens's role as the preeminent regional sea power, the weak will still submit -- but that's it. This will be China's undeclared strategy, and the smaller countries of Southeast Asia may well bandwagon with the United States to avoid the Melians' fate. But slaughter there will be not”.
[27]. Robert D. Kaplan (2011). Sđd. tr. 330.
[28]. Kaplan, Robert D. (2014). Sđd. Chapter III. // Cuốn sách mà Kaplan trích dẫn: Robert Templer (1999). Shadows and Wind: A View of Modern Vietnam. Penguin Books. 384 p. ISBN-13: 978-0140285970.
[29]. Kaplan, Robert D. (2014). Sđd. Chapter III.
[30]. Căng thẳng biển Đông: Vì sao Nga im lặng? (Phỏng vấn Lucio Caracciolo 15/5/2014). http://plo.vn/thoi-su/cang-thang-bien-dong-vi-sao-nga-im-lang-468385.html // Trung Quốc đã tính kỹ thời điểm đặt giàn khoan trái phép http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/trung-quoc-da-tinh-ky-thoi-diem-dat-gian-khoan-trai-phep-a32337.html#.U7oHg41_vlQ
[31]. Theo kết quả thăm dò toàn nước Mỹ được Đại học Quinnipiac, Connnecticut công bố ngày 2/7/2014 thì 33% người được hỏi đánh giá Obama là Tổng thống tệ nhất của Mỹ kể từ sau Thế chiến II. Xem: http://www.quinnipiac.edu/news-and-events/quinnipiac-university-poll/national/release-detail?ReleaseID=2056
[32]. Lê Ngọc Thống (2014). Nước cờ nào của Trung Quốc trên Biển Đông. http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/nuoc-co-nao-cua-trung-quoc-tren-bien-dong-3032788/
[33]. Quan hệ lạ thường Malaysia – Trung Quốc (2014). http://petrotimes.vn/news/vn/quan-doi-va-chien-tranh/quan-he-la-thuong-malaysia-trung-quoc.html.  Ngày 24/6/2014, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải gửi tuyên bố tới tờ WSJ (The Wall Street Journal) để giải thích cho mối quan hệ “khó giải thích” của họ với Malaysia.
[34]. Perlez, Jane (2014). Q. and A.: Lyle Golstein on China and the Vietnamese Military. July 5. http://sinosphere.blogs.nytimes.com/2014/07/05/q-and-a-lyle-goldstein-on-china-and-the-vietnamese-military/?_php=true&_type=blogs&emc=edit_tnt_20140705&nlid=15975&tntemail0=y&_r=0
[35]. Xi Jinping stresses building strong frontier defense. http://english.sina.com/china/p/2014/0628/713605.html
[36]. “In the long run, the premature displays of confidence China has lately shown are likely to harm its interests more than advance them”. Rory Medcalf (2014). China's Premature Power Play Goes Very Wrong. National Interest June 3. http://nationalinterest.org/feature/chinas-premature-power-play-goes-very-wrong-10587 // Trần Ngọc Thêm (2014). “Cao Biền dậy nonhttp://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/05/140530_who_mediate_981_conflict.shtml
[37]. Xem: Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, ĐHQG Hà Nội (2014). Việt Nam học. Kỷ yếu Hội thảo lần thứ tư. Hà Nội, 26-28/11/2012. Tập VII. Nxb. KHXH. tr. 487-498.
[38]. “Chinese diplomacy seems comfortable only on a stage it manages”. Rory Medcalf (2014). Sđd.
[39]. David Pilling (2011) Asia’s quiet anger with ‘big, bad’ China. http://www.ft.com/intl/cms/s/0/da3396b6-8c81-11e0-883f-00144feab49a.html#axzz36mNae8Pi.